Thực hiện các chỉ tiêu kinh tế: Cần chủ động trước mọi tình huống

08:32 | 02/06/2014 Print
Bàn về phương hướng giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong thời gian tới, nhiều ĐBQH đã có ý kiến, Chính phủ cần dự báo được tác động của vấn đề biển Đông đối với kinh tế - xã hội trong nước và có các giải pháp chủ động với mọi tình huống.

Hôm nay, Quốc hội sẽ dành cả ngày thảo luận về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2013, phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013.

Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể vào hôm nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại đoàn về các nội dung trên và báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ. Đã có nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế trong thời gian vừa qua tuy có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm.

Kinh tế có dấu hiệu hồi phục

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia: “5 tháng đầu năm 2014 tiếp tục và khẳng định một xu hướng khá rõ nét từ giữ năm 2013, đó là tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Các thông số như sản xuất công nghiệp, đặc biệt là chỉ số IIP (sản xuất công nghiệp) trong ngành chế tạo, nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất đều tăng khá.

Doanh thu của các doanh nghiệp, nếu lấy số liệu trong hơn 600 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội và Tp. HCM thì thấy rằng, doanh thu đã tăng rất mạnh từ cuối quý 4/2013 và đến quý 1 năm 2014”.

ĐB Trần Hoàng Ngân, (Đoàn TP. HCM) cũng cho rằng, “Hiệu quả đầu tư của chúng ta có sự cải thiện rõ ràng, nhờ vào các chính sách kịp thời của Chính phủ. Cụ thể như chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) trong giai đoạn 2006-2010 lên tới 6.3, nhưng ICOR trong 3 năm gần đây đã hiệu quả hơn là còn 5.5. Cán cân thương mại trước đây thường xuyên nhập siêu, từ 2006-2010 mỗi năm chúng ta đang nhập siêu khoảng 12,5 tỷ USD, nhưng trong 2 năm gần đây thì chúng ta xuất siêu”.

cong nghiep

5 tháng đầu năm, các chỉ số về sản xuất công nghiệp trong nước đều tăng. Ảnh: TL

Tuy nhiên theo ông Ngân, điều hành chính sách vĩ mô đã đi đúng hướng nhưng vẫn còn chậm.

ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM) có ý kiến, tình hình kinh tế Việt Nam đã chạm đáy từ qúy II/2013. Từ đó tới nay là giai đoạn phục hồi, nhưng sự phục hồi yếu ớt”.

Nhìn chung, dù đánh giá nền kinh tế có chuyển biến, nhưng các ĐB cho rằng sự chuyển biến đó vẫn còn chậm, nhiều tồn tại cần tập trung giải quyết trong các tháng cuối năm.

Không lệ thuộc vào nước ngoài

Từ sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, khi bàn về phương hướng giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong thời gian tới, nhiều ĐBQH đã có ý kiến, Chính phủ cần dự báo được tác động của vấn đề biển Đông đối với kinh tế xã hội trong nước và có các giải pháp chủ động với mọi tình huống trong thời gian tới.

Hầu hết tại các đoàn, các ĐBQH đã chia sẻ suy nghĩ về vấn đề nền kinh tế còn nhiều phụ thuộc vào nước ngoài và đây có thể là một rào cản để chúng ta phát triển không bền vững.

Vì vậy, các ĐBQH kiến nghị cần giảm sự phụ thuộc đó và tăng tính chủ động trong sản xuất. Nhất là trong thời gian tới, do ảnh hưởng của tình hình Biển Đông, sản xuất công nghiệp có nguy cơ sụt giảm, nguồn thu từ công nghiệp bị ảnh hưởng, Chính phủ cần thực hiện tái cơ cấu công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; tăng tỷ lệ nội địa hóa.Có giải pháp tăng năng suất lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời có giải pháp triệt để ổn định các khu công nghiệp, khu kinh tế, bảo đảm để các doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả.

Trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, ĐBQH mong muốn có những chính sách hỗ trợ đồng bộ và cơ chế đặc thù cho kinh tế biển, ngư dân, gắn kinh tế biển với quốc phòng, an ninh như: Bố trí ngân sách, huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân đóng tàu bám biển (từ ngành dầu khí, giao thông..); đóng tàu cho ngư dân thuê với giá ưu đãi.

Liên quan đến các vụ việc lộn xộn tại các khu công nghiệp trong thời gian vừa qua, các ĐBQH kiến nghị, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra vụ việc và phải rút kinh nghiệm sâu sắc để có những biện pháp chủ động hơn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. HCM): Tình hình lộn xộn vừa qua tại các khu công nghiệp do người dân không đủ thông tin. Vì thế, Chính phủ cần có báo cáo kịp thời, phù hợp về những vấn đề người dân quan tâm để người dân chủ động hơn, không để bất cứ thế lực nào lợi dụng, một lòng cùng Đảng, Nhà nước giải quyết, vượt qua khó khăn.

Trung Ninh

Trung Ninh

© Thời báo Tài chính Việt Nam