ĐB Phạm Huy Hùng: Chọn người đại diện vốn nhà nước phải đủ tâm, tài, trí

17:01 | 28/05/2014 Print
Cựu lãnh đạo Vietinbank Phạm Huy Hùng nhấn mạnh, việc chọn người đại diện vốn nhà nước tại DNNN phải đảm bảo tâm, tài, trí. “Để báo chí, nhân dân suốt ngày phê phán DNNN thế này thế kia, tôi cảm thấy rất khổ tâm”, ĐB Hùng nói.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh ĐB Phạm Huy Hùng (Đoàn ĐB Hà Nội) khẳng định sự đồng tình với sự ra đời của Luật, để điều chỉnh tất cả các hoạt động của khu vực có vốn nhà nước.

Đồng thời, ĐB Phạm Huy Hùng đã dành nhiều thời gian để phát biểu về vấn đề quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người đại diện vốn nhà nước tại DN.

Cấn tiêu chí cụ thể để lựa chọn người đại diện

Đề nghị luật cần quy định rõ quyền của cơ quan quản lý đại diện vốn nhà nước với quyền và trách nhiệm nghĩa vụ của người quản lý đại diện sử dụng vốn nhà nước tại DN. Tách và chuyển toàn bộ vốn đầu tư của nhà nước về một cơ quan chuyên quản lý vốn nhà nước, như SCIC...

PHH

ĐB Phạm Huy Hùng

Từng là lãnh đạo, người đại diện vốn nhà nước tại Vietinbank, ĐB Phạm Huy Hùng cho rằng, từ trước tới nay, các quy định nặng về quản lý DNNN, còn cơ chế, chế tài cụ thể để định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước thì không rõ. Chính vì thế, ai làm tốt, làm xấu, làm ít, làm nhiều, hiệu quả hay không không đánh giá được. Cuối năm, chỉ miễn là không vi phạm pháp luật, còn thì vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

ĐB chia sẻ, việc cho rằng DNNN được ưu đãi hơn DN tư nhân là không hẳn vậy. Quy chế tài chính với DNNN siết rất chặt, lệch một chút là vi phạm. Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, sao kê từng triệu đồng trở đi. Trong khi đó, DN tư nhân chỉ cần quyết toán lỗ lãi, không ai kiểm tra.

Trong khi người quản lý vốn nhà nước vừa phải đảm bảo các nhiệm vụ bảo toàn vốn, hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh tài chính, đảm bảo lợi nhuận, cổ tức, đời sống nhân viên, nộp ngân sách, trách nhiệm xã hội… đúng chính sách, đúng cơ chế, hàng năm kiểm toán, thanh tra.

Vì thế, ĐB Phạm Huy Hùng đề nghị cần làm rõ, thể hiện bình đẳng DNNN với mọi DN như trong Luật DN. Có tiêu chí cụ thể đánh giá hiệu quả DN, có cơ chế giám sát, chế tài xử lý người đại diện quản lý sử dụng vốn nhà nước nếu không hoàn thành tốt nhiệm vụ.

ĐB nêu ví dụ, cần đặt ra tiêu chí theo quy mô tài sản, điều kiện hoạt động, cụ thể với từng nhiệm vụ bảo toàn vốn, hiện đại hóa, lợi nhuận, cổ tức, quản trị DN, hài hoà lợi ích nhà nước, cổ đông, đời sống người lao động… “Nếu cứ đánh giá chung chung thì không rõ được người điều hành làm việc thế nào”.

Theo ĐB Phạm Huy Hùng, người quản lý DN đòi hỏi rất nhiều tiêu chí, từ năng lực, trình độ. Để có TGĐ và Chủ tịch HĐQT quản lý, điều hành được hiệu quả là rất khó. “Không nhất thiết phải là công chức, đưa lãnh đạo cấp vụ, bộ, ngành xuống mà phải trải qua từ thấp đến cao, kinh qua nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn”.

Chuyển toàn bộ vốn nhà nước về một cơ quan quản lý

Nêu quan điểm ủng hộ việc đánh thuế vốn với phần vốn của Nhà nước, ĐB Phạm Huy Hùng cho rằng, đây là điểm mới rất cần thiết và đề xuất thuế vốn cao hơn mức lãi suất gửi tiết kiệm hàng năm.

Do vậy đề nghị luật cần quy định rõ quyền của cơ quan quản lý đại diện vốn nhà nước với quyền và trách nhiệm nghĩa vụ của người quản lý đại diện sử dụng vốn nhà nước tại DN. Tách và chuyển toàn bộ vốn đầu tư của nhà nước về một cơ quan chuyên quản lý vốn nhà nước, như SCIC.

"Quy định như vậy để tách bạch cơ quan quản lý nhà nước, điều hành cơ chế chính sách chung với cơ quan quản lý vốn, tránh nguy cơ lạm dụng quyền lực, chi phối, thao túng hoạt động của DNNN" - ĐB Phạm Huy Hùng chia sẻ.

Trong hoạt động của DNNN, ĐB Hùng cho rằng nên tách bạch nhiệm vụ chính trị. Ví dụ luật Nhà ở đề nghị ngân hàng thương mại phải cho vay ưu đãi, theo ĐB đây là vai trò của ngân hàng chính sách. Để DN vừa kinh doanh vừa đảm bảo vai trò xã hội sẽ dẫn đến kết quả: không thực hiện tốt mục tiêu kinh doanh hoặc không thực hiện tốt vai trò xã hội. Thiếu sự minh bạch trong nguyên tắc, dẫn đến một số DN biện minh cho việc kinh doanh kém hiệu quả, đổ lỗi cho việc phải thực hiện việc này việc kia, dẫn đến không có lãi.

ĐB Phạm Huy Hùng cũng đề nghị, không lẫn lộn giữa trách nhiệm xã hội của chính DN với nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam