Không nên có chương, mục riêng về DNNN

14:47 | 26/05/2014 Print
Việc bổ sung một chương, mục riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật doanh nghiệp là luật chung về thành lập, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế.

Ngày 26/5, bắt đầu tuần làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 7 Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

DN không cần đăng ký ngành nghề kinh doanh

Đánh giá thực hiện Luật doanh nghiệp trong hơn 8 năm qua Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, Luật Doanh nghiệp bộc lộ những khiếm khuyết, gây ra khó khăn, vướng mắc, hạn chế việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nói chung và phát triển doanh nghiệp nói riêng.

Mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật Doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Một điểm mới đáng chú ý và thu hút nhiều ý kiến đóng góp trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này là doanh nghiệp không cần phải đăng ký ngành nghề kinh doanh (trừ ngành nghề có điều kiện) tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tách Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp và chứng nhận đầu tư.

Về tổ chức quản trị các loại hình doanh nghiệp cụ thể, dự Luật cũng có nhiều sửa đổi. Cụ thể, bổ sung thêm Chương IV về doanh nghiệp nhà nước.

Áp dụng thống nhất thời hạn thanh toán đủ phần vốn góp, cổ phần đã đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cho mọi loại hình doanh nghiệp (thời hạn hiện nay là 3 năm đối với công ty trách nhiệm hữu hạn).

Giảm tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định Đại hội đồng cổ đông xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định quan trọng để phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Trong tờ trình Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày cũng đánh giá, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ giảm đáng kể chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong gia nhập thị trường, quản lý kinh doanh, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp. Giảm rủi ro thương mại và rủi ro pháp lý cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

bui quang vinh

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày trước quốc hội. Ảnh: TL

Không nên có chương, mục riêng về DNNN

Theo Báo cáo thẩm tra dự Luật Doanh nghiệp sửa đổi do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội– Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là cần thiết tạo cơ sở pháp lý cho việc tiến hành quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp; tạo điều kiện và động lực mới cho sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến đề nghị không nên có chương hoặc mục riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước trong Luật.

Việc bổ sung một chương, mục riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật doanh nghiệp là luật chung về thành lập, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế.

Về quy định đăng ký thành lập doanh nghiệp đa số ý kiến tán thành với quy định như dự án Luật. Thực tế hiện nay có doanh nghiệp lợi dụng việc thành lập để mua bán hóa đơn, thậm chí có doanh nghiệp hoạt động lừa đảo, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế, yếu kém trong khâu kiểm soát sau khi thành lập doanh nghiệp, không hẳn do quy định của Luật.

Để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, đề nghị quy định cụ thể trong dự án Luật một cơ quan đầu mối quản lý thống nhất về đăng ký thành lập doanh nghiệp; bổ sung quy định chặt chẽ về hậu kiểm đối với doanh nghiệp để bảo đảm doanh nghiệp đã đăng ký là có tồn tại và hoạt động.

Một số ý kiến đề nghị giữ quy định ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như Luật hiện hành để bảo đảm có đầy đủ thông tin, dữ liệu về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, phục vụ sự quản lý nhà nước và định hướng phát triển nền kinh tế.

Tuy nhiên, đa số ý kiến tán thành với quy định như dự án Luật. Theo tinh thần của Hiến pháp, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, ngoài kinh doanh, có nghĩa vụ nộp thuế.

Do vậy, người kinh doanh phải báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật và chỉ bắt buộc ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cũng trong phiên họp hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phá sản (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đồng thời, cuối buổi chiều, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.

Trung Ninh

Trung Ninh

© Thời báo Tài chính Việt Nam