Quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

11:06 | 29/04/2014 Print
Đó là ý kiến mang tính xuyên suốt trong chỉ đạo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp năm 2014”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương phải nỗ lực, sát cánh cùng cộng đồng DN, các hiệp hội trong thời gian tới.

Môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định...

Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng DN với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế, phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh...

Nguyen Tan Dung

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Đứng trước những vấn đề mà DN nêu ra tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương phải nỗ lực cùng với cộng đồng DN, các hiệp hội DN làm tốt hơn nữa trong thời gian tới”.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cho rằng đây là việc có ý nghĩa quyết định đối với phát triển kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh: “Dù chúng ta đã làm tốt rồi nhưng còn phải tốt hơn nữa”.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính ổn định vững chắc hơn để cộng đồng DN yên tâm, thuận lợi hơn trong phát triển sản xuất kinh doanh. Phấn đấu năm 2015, sẽ đạt mục tiêu tăng khoảng 6 hoặc trên 6%, tạo nền tảng vững chắc cho DN phát triển.

Không được để thủ tục hành chính cản trở…

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo tự do kinh doanh cũng như đảm bảo tính dân chủ của người dân trong phát triển kinh tế, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm như quy định tại Hiến pháp. Cùng với đó, sẽ thực hiện tính bình đẳng, công khai minh bạch trong kinh doanh. Đây là vấn đề còn nhiều điều vướng mắc, do đó, phải cố gắng để thực hiện cho bằng được.

Thủ tướng nhận định, đối với vấn đề cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, dù thời gian qua đã làm được nhiều việc, nhưng vẫn còn tồn tại khó khăn, vướng mắc. Chính phủ cũng nghiêm túc nhận thấy, thủ tục hành chính đang một phần gây khó khăn, cản trở cho cộng đồng DN.

“Đây là trách nhiệm của Chính phủ, nhưng cũng mong cộng đồng DN, thông qua các Hiệp hội sẽ có những đóng góp, đề xuất thiết thực hơn nữa để làm tốt hơn công tác này”, Thủ tướng bày tỏ.

thủ tướng

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực vượt khó và kết quả đạt được của DN. Ảnh: DT

Chính phủ sẽ hết mình, nhưng cốt lõi vẫn là DN...

Thủ tướng chỉ đạo, các cơ quan chức năng phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận với tín dụng. Một mặt DN phải nỗ lực hơn, một mặt các ngân hàng cũng phải tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ vốn cho DN. DN trên cả nước chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, trong khi đó, số DN này lại phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay. Do đó, việc nâng cao chất lượng tín dụng để vốn đến được với DN sẽ cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm cho hiệu quả cao.

Đánh giá đây là việc không dễ thực hiện nên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước cần nỗ lực hết sức, tìm giải pháp cùng với các ngân hàng thương mại cơ cấu lại số dư nợ của DN đã vay với lãi suất cao thời gian trước và tìm ra cách xử lý tốt nhất theo hướng đưa lãi suất về với lãi suất hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn cho biết thêm, Chính phủ đã có quyết định thành lập quỹ Phát triển DNNVV, sẽ xem xét cách thức hoạt động tại các tỉnh để giúp DNNVV tiếp cận vốn. Ngoài ra, Chính phủ cũng hết sức quan tâm tới việc phát triển nguồn vốn thông qua thị trường chứng khoán để DN có thể huy động được nguồn vốn trung, dài hạn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ, nhưng cái quan trọng vẫn nằm ở chính nỗ lực tái cấu trúc của DN, làm thế nào phải tăng sức cạnh tranh, giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động. Trong đó, DN phải hết sức chú trọng tới hai yếu tố, là khoa học công nghệ và năng lực quản trị.

Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo cần phải mở rộng thị trường hỗ trợ DN, cả thị trường trong nước và nước ngoài. Thủ tướng cũng đề nghị các DN, hiệp hội phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong hoạt động phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bởi đây là những hành động “phá hoại sản xuất ghê gớm”, đồng thời mong muốn DN đóng góp tích cực vào hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài; quan tâm xây dựng văn hóa DN, nhất là văn hóa ứng xử với người lao động và nghiêm túc thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước;...

Sau Hội nghị này, Văn phòng Chính phủ sẽ chuyển tất cả các kiến nghị của cộng đồng DN đến từng bộ, ngành liên quan để xử lý. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao xem xét xử lý, trả lời tất cả các kiến nghị của DN trên tinh thần hết sức ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững; giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cần thiết theo chức trách của mình nhằm tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng DN tiếp tục phát triển.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam