Siết xe quá tải ở TP.Hồ Chí Minh: Hiệu quả với nhiều biện pháp

14:26 | 26/04/2014 Print
Số vụ xe vi phạm vượt tải trọng tại TP.Hồ Chí Minh đã giảm mạnh kể từ sau thời điểm thực hiện siết tải trọng xe (1/4/2014), trước các động thái từ kêu gọi đến quyết liệt của cơ quan chức năng.

Cả ngày không có vụ vi phạm! Gần 11g00 trưa ngày 24/4, dưới cái nắng chói khá gắt của một ngày đầu hè, chiếc xe tải Hino trắng biển số 51C-24052 đang nặng nề “lê” qua cầu Mỹ Thủy với ý định cua vào vòng xoay đi về hướng đường Mai Chí Thọ, bất ngờ bị một chiếc “bồ câu trắng” của đội Cảnh sát Giao thông (CSGT) Cát Lái tuýt còi yêu cầu kiểm tra tải trọng. Tại Trạm cân xe vòng xoay Mỹ thủy (đường Đồng Văn Cống, phường Cát Lái, quận 2), nét mặt tài xế khá căng thẳng nhưng chỉ sau vài phút được các thanh tra giao thông (TTGT) hướng dẫn lái xe vào bàn cân, người này khá vui vẻ khi biết xe mình không vi phạm, với tổng tải trọng chỉ 14,8 tấn/15 tấn cho phép. Anh Nguyễn Văn Sơn, Tổ trưởng một tổ TTGT tại đây cho hay, tổ của anh gồm 4 người, chức năng chính là phối hợp với các tổ của Đội CSGT Cát Lái để xử lý xe lưu thông vi phạm vượt tải trọng. Nếu xe vi phạm quá tải vượt trên 60%, hình thức phạt và mức phạt sẽ rất nặng. Cụ thể, lái xe sẽ bị phạt 6 triệu đồng, chủ xe từ 3 triệu đồng (cá nhân) đến 6 triệu đồng (tổ chức), thậm chí sẽ có thể giữ cả bằng lái của tài xế. Thời gian gần đây, đặc biệt kể từ thời điểm thực hiện mạnh việc siết tải trọng xe, tình trạng vi phạm vượt quá tải trọng đã giảm hẳn, có ngày không có vụ vi phạm nào (ngày 18/4/2014). Kiểm tra tải trọng xe tại Trạm cân vòng xoay Mỹ Thủy (Cát Lái, quận 2, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh Đỗ Doãn “Theo quy định, Thanh tra giao thông chỉ được bắt xe ở trạng thái tĩnh. Khi phát hiện xe quá tải, CSGT sẽ ra điều xe vào trạm để cân xe. Bằng trực quan, chỉ chiếc nào nghi ngờ quá tải mới bắt vào. Những trường hợp quá tải ít, vượt dưới 5% nhiều khi nhìn bằng mắt thường thì không phát hiện, còn trên mức này thì dễ hơn bởi quan sát bánh xe, nhíp xe, hàng trên xe… Tính từ sáng đến giờ, tổ mới kiểm tra hai xe khả nghi và không có xe nào vi phạm”, ông Sơn nói. Thanh tra giao thông Nguyễn Văn Thanh cho biết, trạm chủ yếu kiểm tra xe từ trong Cảng Cát Lái đi ra. Do mức phạt và hình thức phạt khá nặng nên tái xế khi đưa xe vào cân đều rất sợ do vừa mất tiền, vừa bị thu bằng lái… “Nếu siết chặt tình trạng chở hàng quá tải, tài xế sẽ rất mừng bởi không ai muốn chạy xe chở quá tải do không an toàn, do tâm lý phải đối phó với cơ quan chức năng… Hiện tình hình vi phạm đã giảm hẳn sau khi thực hiện siết tải trọng xe, nhiều xe từ trong cảng ra trước kéo theo hai công 20 giờ chỉ còn dám chở 1 công”, ông Thanh nói. Được biết, TP.Hồ Chí Minh hiện có 8 đội TTGT, mỗi đội đều có bộ cân riêng và đều có kế hoạch phối hợp với CSGT để kiểm tra tải trọng xe. Riêng đội 5 là đội luôn túc trực tại Trạm cân cố định vòng xoay Mỹ Thủy, có nhiệm vụ phối hợp hàng ngày với đội CSGT Cát lái thực hiện kiểm tra xe vượt tải trọng lưu thông trên con đường trọng yếu ra vào Cảng Cát Lái. Kiểm tra tải trọng xe tại chốt đường Nguyễn Văn Linh. Ảnh Đỗ Doãn Nhiều biện pháp Theo ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố đã trang bị cho thanh tra giao thông 5 cân di động để xử lý trên các khu vực quốc lộ 1A từ hướng quận 9-Thủ Đức đi về quận 12, cân ở khu vực quận 7 coi các cảng quận 4 và quận7, cân ở khu vực bình chánh, cân ở khu vực đường Đồng Văn Cống. Còn cân do Bộ GTVT cấp được đặt trên trục đường Nguyễn Văn Linh, là trục đường chính ra vào thành phố ở cửa ngõ phía Tây. Ông Cang cho biết: “Sở đã chỉ đạo tổ chức lại giao thông theo hướng hai đường tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Linh sẽ chỉ dành cho phương tiện dưới 3,5 tấn. Tất cả các xe có tải trọng lớn hơn phải đi vào luồng đường giữa và đường trục giữa này sẽ cắm bảng cấm dừng cấm đỗ và bất cứ phương tiện nào cấm dừng cấm đỗ sẽ bị CSGT xử phạt”. Xe quá tải quá khổ đang gây mất an toàn giao thông và làm hư hại kết cấu giao thông đường bộ. Theo ông Cang, đây là giai đoạn khó khăn bởi mới tiến hành lập lại trật tự, kỷ cương trong vận tải công cộng và vận tải hàng hóa. “Tôi rất mong là các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền được ý nghĩa cần thiết về việc phải chở hàng hóa đúng tải trọng trục của xe cho phép để chủ doanh nghiệp, tài xế, người dân hiểu và chia xẻ”, ông Cang nói. Giám đốc Sở GTVT TPHCM Tất Thành Cang thị sát Trạm cân Nguyễn Văn Linh trưa 24/4/2014. Ảnh Đỗ Doãn Cũng theo ông Cang, giữ an toàn giao thông và bảo vệ tính mạng của người dân khi tham gia giao thông là trách nhiệm của toàn xã hội. Do đó, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành giao thông, công an giao thông đến tổ chức giao thông trên đường như cắm bảng, phân luồng… Kế đến là phải gặp gỡ doanh nghiệp kinh doanh vận tải để tháo gỡ khó khăn, xác lập lại và yêu cầu họ phải chấp hành đúng quy định về tải trọng cho phép trên phương tiện vận tải; rồi phải làm việc với các chủ cảng bến bãi, khu công nghiệp khu chế xuất… để khi bốc hàng hóa lên các phương tiện vận tải sao cho đúng với tải trọng cho phép. Một giải pháp được cho là căn cơ nhất là kiểm tra ngay tại bến cảng. Ông Cang nhấn mạnh: “TP.Hồ Chí Minh sẽ tổng kết và có báo cáo đánh giá cụ thể sau đợt thực hiện này để Bộ GTVT và Chính phủ nghiên cứu ban hành những quy định cụ thể về xử lý trách nhiệm đối với những chủ cảng, bến bãi khi bốc hàng lên xe quá tải trục cho phép và cho xe lăn bánh khỏi khu vực đó, tức là sẽ xử trách nhiệm gốc ở chủ cảng bến và chủ doanh nghiệp vận tải"./.

Đỗ Doãn

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam