Sẽ bỏ thủ tục cấp giấy Chứng nhận đầu tư

09:08 | 23/04/2014 Print
Đây là một trong những nội dung sửa đổi của dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến lần đầu tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 22/4.

bt

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên họp chiều 22/4. Ảnh: TTXVN

Chưa khuyến khích đầu tư ra nước ngoài

So với Luật Đầu tư hiện hành, dự thảo Luật giữ nguyên 11 điều, sửa đổi 49 điều, bổ sung 9 điều mới và bãi bỏ 29 điều. Một số sửa đổi, bổ sung quan trọng gồm: cam kết không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước; bổ sung nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư khi pháp luật, chính sách thay đổi; bổ sung quy định giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư; quyền tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, gia công hàng hoá, quyền tiếp cận ngoại tệ của nhà đầu tư….

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, trừ một số hạn chế về tỷ lệ góp vốn và phạm vi hoạt động theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế, với Luật này nhà đầu tư nước ngoài đã được bình đẳng với nhà đầu tư trong nước về quyền thành lập DN và thực hiện hoạt động đầu tư…

Tại báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế (UBKT) đã cho ý kiến về một số điểm quan trọng. Về quyền cân đối ngoại tệ, Thường trực UBKT cho rằng cần thu hẹp tối thiểu các dự án bảo đảm cân đối ngoại tệ và nghiên cứu tiến tới bỏ quy định này để tránh những tác động tiêu cực đến dự trữ ngoại hối, ảnh hưởng đến chính sách tỷ giá.

Về danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, UBKT cho rằng quy định tại dự thảo Luật chưa rõ ràng, dễ gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện Luật, do vậy đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định chi tiết các lĩnh vực cấm đầu tư ngay trong dự thảo Luật.

Cho rằng việc quy định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém, Thường trực UBKT đồng tình với việc bỏ thủ tục này. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định công cụ và chế tài kiểm soát quản lý dòng vốn đầu tư thực, do vậy cần cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng nhưng vẫn bảo đảm quản lý thống nhất của nhà nước, đặc biệt đối với lĩnh vực góp vốn thực để đầu tư.

Với quan điểm nước ta đang cần vốn để phát triển, Thường trực UBKT cho rằng chưa nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, hay bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, để khắc phục những tồn tại, Thường trực UBKT nhất trí với việc chuyển từ hình thức cấp Giấy chứng nhận đầu tư sang đăng ký đầu tư ra nước ngoài và ràng buộc trách nhiệm đối với DNNN của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN như trong dự thảo Luật.

Sẽ rà soát lại 330 ngành kinh doanh có điều kiện

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề dự thảo Luật chưa làm rõ được có bao nhiêu giấy tờ, thủ tục trong việc cấp phép đầu tư sẽ được hạn chế, bãi bỏ… Luật quy định nhà đầu tư được kinh doanh đầu tư ngành pháp luật không cấm, tuy nhiên không nêu rõ những ngành nghề nào cấm. Luật cũng chưa quy định rõ về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, về nguyên tắc chung, dự thảo đã bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trừ trường hợp kinh doanh có điều kiện. Việc đăng ký đầu tư sẽ được thực hiện qua mạng, trong vòng 5 – 7 ngày DN sẽ được cấp phép nếu đủ điều kiện.

Về các ngành nghề kinh doanh đầu tư có điều kiện, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết hiện nay có khoảng 330 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và vài chục ngành nghề cấm kinh doanh. Tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các ngành rà soát lại 330 ngành nghề này để loại bỏ một số ngành nghề quy định còn chung chung. Những ngành nghề cấm cũng sẽ được bàn lại xem có nên cấm hay không.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết trong thời gian hoàn thiện dự thảo sẽ ngồi lại cùng các bộ, ngành để rà soát các luật chuyên ngành liên quan đến đầu tư, theo hướng giảm dần, loại bỏ các thủ tục đầu tư quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

Đồng tình với các ý kiến này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, mặc dù biết rất khó nhưng đây là dịp để rà soát lại các văn bản, Nghị định, Thông tư, cả các luật liên quan. Từ đó đánh giá xem trong 330 ngành nghề có điều kiện là ngành nghề gì, cái gì giữ, cái gì bỏ.

“Sẽ có những cuộc tranh luận gay gắt về việc bỏ hay không bỏ, nhưng vẫn cần thiết phải làm vì sự minh bạch của pháp luật”, ông Phùng Quốc Hiển nói./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam