Dịch vụ công chứng: Công chứng hay tư chứng?

10:26 | 11/04/2014 Print
Tư nhân làm dịch vụ công chứng thì liệu có phải là “tư chứng” không? Dịch vụ công chứng nên theo nguyên tắc phi lợi nhuận hay coi là một loại hình kinh doanh, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp?

cong chung

(ảnh minh họa).

Đây là những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội nêu ra tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến hoàn thiện một số dự án luật quan trọng sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới, do UBTVQH tổ chức trong 2 ngày 10 và 11/4. Tại hội nghị này, các đại biểu chuyên trách sẽ cho ý kiến về dự án luật Công chứng sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi và Luật Đầu tư công.

Công chứng hay tư chứng?

Tại buổi làm việc đầu tiên, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Công chứng sửa đổi. Hầu hết các ý kiến đều tán thành với quy định đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công chứng, hướng tới chuyển đổi toàn bộ các phòng công chứng thành văn phòng công chứng như trong Dự thảo Luật đã trình Quốc hội.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị bỏ quy định văn phòng công chứng hoạt động không vì lợi nhuận, vì quy định này không khả thi. Đại biểu Trương Ngọc Vinh cho rằng, quy định này không bình đẳng giữa phòng công chứng nhà nước và tư nhân vì phòng công chứng nhà nước được hỗ trợ về mặt bằng, về nhân lực, còn phòng công chứng tư nhân thì không có.

Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, dịch vụ công chứng thực chất là “tư chứng”. Bởi chỉ có các phòng công chứng của Nhà nước mới là công chứng, còn các văn phòng tư nhân là “tư chứng”. Vì thế, nên để cho họ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp là đủ, không cần quá phức tạp về quy định.

“Theo tôi, chúng ta nên cứ cho thành lập, hoạt động bình thường, ai làm hiệu quả thì làm, không làm tốt thì giải thể”, đại biểu Ngô Văn Minh nói.

Đề nghị có khung giá dịch vụ công chứng

Về ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phùng Quốc Hiển cho rằng, dù công chứng hay tư chứng vẫn là… công chứng. Bởi đây là dịch vụ công, Nhà nước cần xã hội hóa thì để các tổ chức khác thay mặt Nhà nước làm. Đây là câu chuyện bình thường trong kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, để các tổ chức này hoạt động được thì phải có lợi ích. Họ phải được thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, theo Luật Doanh nghiệp. Để hạn chế việc dịch vụ này chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, Nhà nước cần lập ra khung giá, để đảm bảo cho các tổ chức vẫn có lợi nhuận theo cơ chế thị trường, nhưng đồng thời vẫn theo định hướng của Nhà nước.

Đồng tình với quan điểm hoạt động công chứng phải theo nguyên tắc có lợi nhuận, đại biểu Hồ Trọng Dũng cho rằng, trước hết cần phải thống nhất được quan điểm về dịch vụ, nhất quán được lối đi mới xử lý được vấn đề đang vướng mắc này.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập cũng chỉ ra sự mâu thuẫn trong quan điểm như quy định nguyên tắc hoạt động của dịch vụ công chứng không vì lợi nhuận nhưng lại lo những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa không có ai làm dịch vụ.

Quy định về hạn chế lứa tuổi hành nghề công chứng viên là 65 tuổi cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều đại biểu cho rằng không nên quy định giới hạn tuổi mà nên dựa vào kiểm tra sức khỏe định kỳ. Theo đại biểu Phùng Quốc Hiển, đối với một số nghề, càng tuổi cao càng có kinh nghiệm. Vì vậy cần tận dụng nguồn lực về tri thức, không nên quy định cứng nhắc. Đại biểu Phùng Quốc Hiển cũng băn khoăn về quan điểm bắt buộc mua bảo hiểm nghề nghiệp đối với công chứng viên, bởi hiện nay chưa có cơ quan bán loại hình bảo hiểm này, vì quy định sẽ khó khả thi./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam