Quảng Bình đứng đầu cả nước về quản trị và hành chính công

16:19 | 02/04/2014 Print
Theo báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2013, Quảng Bình là địa phương duy nhất nằm trong nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất ở cả 6 chỉ số. Trong khi đó, Bắc Giang thuộc nhóm địa phương đạt điểm thấp nhất.

Hôm nay (2/4), tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã tổ chức công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2013.

papi
Lễ Công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2013. Ảnh: Diệu Thiện

Báo cáo PAPI năm 2013 đã phản ánh xu thế biến đổi của mức độ hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh qua thời gian. Các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Quảng Bình liên tục nhận được những đánh giá tích cực của người dân, thể hiện qua việc cả ba tỉnh thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất trong cả ba năm, từ năm 2011 đến nay.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình là địa phương duy nhất nằm trong nhóm tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất ở cả 6 chỉ số nội dung của PAPI (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai – minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công). Trong khi đó, Bắc Giang lại thuộc nhóm địa phương đạt điểm thấp nhất ở cả 6 chỉ số nội dung.

Báo cáo PAPI năm 2013 cũng ghi nhận xu thế biến đổi khá tích cực ở điểm thấp nhất (điểm sàn) và cao nhất (điểm trần) ở 6 chỉ số nội dung qua các năm. Điểm sàn có xu hướng gia tăng ở 5 trong 6 chỉ số nội dung, và điểm trần cho xu hướng gia tăng ở 4 trong 6 chỉ số nội dung.

Ngoài ra, số tỉnh/thành phố đạt trên 40 điểm ở Chỉ số PAPI tổng hợp có trọng số tăng từ 4 theo kết quả PAPI 2011 lên 10 theo kết quả PAPI 2013. Ngược lại, số tỉnh/thành phố đạt điểm PAPI tổng hợp có trọng số dưới 35 điểm giảm từ 11 theo kết quả PAPI 2011 xuống còn 1 địa phương theo kết quả PAPI 2013.

Bên cạnh đó, kết quả phân tích dữ liệu PAPI năm 2013 cho thấy, người dân nhìn chung đánh giá tích cực hơn mức độ và hiệu quả tương tác giữa chính quyền và người dân, biểu thị qua mức gia tăng tương đối ổn định của các điểm số ở 5 trong 6 lĩnh vực được PAPI đo lường, mặc dù mức gia tăng đó chưa đáng kể về mặt thống kê.

Điểm số của trục nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” có mức gia tăng nhiều nhất, cao hơn 4,24% kết quả so với năm 2012. Tiếp đến là “Công khai, minh bạch” với mức gia tăng trên 3,4%. Ba trục nội dung có mức gia tăng nhỏ, không đáng kể gồm: Trách nhiệm giải trình với người dân (tăng 1,19%), Cung ứng dịch vụ công (tăng 0,68%) và Thủ tục hành chính công (tăng 0,32%). Riêng nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” giảm nhẹ 0,33% so với năm 2012.

Đánh giá về tác động của Chỉ số PAPI, ông Nguyễn Quang Du – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, dựa trên những kết quả phân tích về Chỉ số PAPI được đưa ra hàng năm, lãnh đạo chính quyền các cấp thấy được bức tranh chung về sự khác biệt trong hiệu quả quản trị và hành chính công giữa các tỉnh/thành phố, từ đó biết được địa phương nào triển khai thực hiện tốt công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công, những địa phương nào còn yếu kém cần học hỏi và rút ra những bài học kinh nghiệm của nhau, đặc biệt là với những địa phương có cùng đặc điểm phát triển kinh tế-xã hội.

“Chỉ số PAPI là nguồn dữ liệu để các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương sử dụng nhằm theo dõi quá trình thực thi chính sách, từ đó đưa ra những biện pháp cải thiện kịp thời”, ông Nguyễn Quang Du nhấn mạnh./.

Thiện Trần

Thiện Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam