Bộ trưởng Bộ Y tế: Không thể nói giá thuốc tại Việt Nam cao

09:06 | 02/04/2014 Print
Trả lời chất vấn tại phiên họp chiều 1/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết giá thuốc Việt Nam ổn định trong thời gian dài, mức tăng thấp hơn tăng CPI cả nước, giá nhiều loại thuốc cơ bản thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Trung Quốc.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời nhiều vấn đề đang được cử tri quan tâm, gây bức xúc dư luận như y đức, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, giá thuốc…

Đề xuất kiểm tra 100% thiết bị y tế nhập khẩu

Trả lời câu hỏi của đại biểu (ĐB) về việc có kéo giá thuốc xuống hay không vì giá thuốc quá cao, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết hiện nay giá thuốc của Việt Nam khá ổn định trong thời gian dài, thấp hơn mức độ tăng CPI cả nước. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá các loại thuốc biệt dược tại Việt Nam có mức độ tăng giá trung bình, còn thuốc gốc thì có mức tăng giá thấp. Theo khảo sát sơ bộ giá 30 loại thuốc cơ bản thì giá thuốc tại Trung Quốc cao gấp 1,6 – 2 lần, tại Thái Lan gấp 2,5 – 3 lần so với Việt Nam. Vì vậy “không thể nói rằng giá thuốc của Việt Nam quá cao”.

Sau khi Bộ Y tế ban hành 2 Thông tư về quản lý giá và hồ sơ mời thầu, chi phí thuốc từ BHYT mà các tỉnh báo cáo giảm từ 15 – 30%, lượng thuốc nội được sử dụng cũng tăng gấp đôi. Luật Dược sắp tới cũng sẽ có những bước đột phá về quản lý, về cơ chế đấu thầu thuốc.

Đề cập đến giải pháp ngăn chặn nhập khẩu thiết bị y tế kém chất lượng, Bộ trưởng cho biết thực chất đây là gian lận thương mại. Theo quy định, đối với thiết bị chăm sóc sức khoẻ phải là mới 100%, hàng quà biếu cũng phải được thẩm định mới từ 80% trở lên nhưng DN đã kê khai gian. Để ngăn chặn việc này, Bộ Y tế phối hợp với ngành hải quan tăng cường kiểm tra, đề xuất không phân biệt “luồng xanh”, “luồng đỏ” đối với mặt hàng thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe mà tiến hành kiểm tra 100%.

Chấm dứt bao cấp sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Tại phiên họp, vấn đề nóng nhất được nhiều đại biểu quan tâm là y đức xuống cấp. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận và cho rằng có nhiều nguyên nhân. Chủ quan là do chính cán bộ y tế xuống cấp về đạo đức, cố ý làm trái. Nguyên nhân khách quan là do sự quá tải ở các bệnh viện khiến người bệnh, gia đình người bệnh và cả nhân viên y tế luôn trong tình trạng căng thẳng nên dễ xảy ra tình trạng thực hiện chưa đúng các quy định về giao tiếp, ứng xử.

Y te
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên chất vấn. Ảnh: TTXVN

Để cải thiện vấn đề này, Bộ trưởng cho biết đã ban hành Thông tư quy định về quy tắc ứng xử tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và khen thưởng kịp thời.… Một cách làm rất hiệu quả đó là tổ chức tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân trên toàn quốc thông qua đường dây nóng 24/24h.

Về những băn khoăn của đại biểu xung quanh việc đầu tư cho y tế cơ sở, Bộ trưởng cho biết nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở rất lớn, nhưng nguồn vốn đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA, khó thu hút được nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào khu vực này. Bộ đã đưa ra các giải pháp phân loại các trạm y tế xã để có đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực cho phù hợp với 3 loại hình. Từ nay đến 2016, Bộ sẽ làm thí điểm sáp nhập một số trung tâm y tế huyện với bệnh viện huyện tại một số địa phương để tổng kết, đánh giá, sau năm 2016 sẽ thiết lập mô hình mới.

Bộ trưởng Y tế cũng trình bày nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, giải pháp căn bản và lâu dài là giá dịch vụ y tế phải tiến tới tính đúng, tính đủ, nhà nước không cấp ngân sách đối với các đơn vị mà cấp qua BHYT, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách. Khi giá dịch vụ tính đúng, tính đủ giống như bệnh viện tư nhân thì sẽ có sự cạnh tranh công bằng, hợp lý. Hiện nay giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố, đầu tư rất khó khăn. Như vậy, nếu giá dịch vụ tính đúng, đủ thì chất lượng sẽ thay đổi. Đây là phương pháp lâu dài nhất nhưng để đạt được điều đó thì phải có lộ trình như Nghị quyết của Quốc hội./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam