Quý 1: Hơn 4.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại

09:03 | 02/04/2014 Print
Ngày 1/4, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3/2014 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhằm thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quí 1/2014.

Hop bao

Phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 1/4. Ảnh: Chinhphu.vn

Nợ xấu giảm còn 7%

Theo báo cáo, lạm phát quý 1 được kiềm chế, CPI tháng 3 tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua; GDP ước đạt 4,96%, tăng cao hơn cùng kỳ hai năm trước; lãi suất tiếp tục giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định; xuất khẩu tăng cao, có xuất siêu. Cả nước có 18,4 nghìn DN đăng ký thành lập mới, tăng 16,9% về số DN và tăng 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ, đồng thời quý 1 cũng ghi nhận hơn 4.600 DN ngừng hoạt động, nay hoạt động trở lại, tăng 48,9% so với quí 4/2013.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; số DN giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức khá cao (khoảng 16.700 DN). Tăng tổng cầu còn chậm; tăng trưởng tín dụng thấp, DN tiếp cận vốn còn khó khăn; tiến độ giải ngân gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại đạt thấp. Tình hình thị trường, tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn. Thị trường bất động sản chậm phục hồi.

Tại cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đang tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong xử lý nợ xấu, triển vọng xử lý khoảng 70 đến 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2014 theo mục tiêu là hoàn toàn có thể thực hiện được, hiện tỷ lệ nợ xấu cũng đã giảm mạnh, còn khoảng 7%. Đồng thời khẳng định NHNN cũng sẽ quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp tái cấu trúc ngân hàng, các tổ chức tín dụng.

Trả lời câu hỏi của PV TBTCVN về thông tin Thống đốc NHNN cho biết là tỷ lệ nợ xấu đã giảm còn 7%, trong khi trước đó (đầu tháng 3), chính NHNN đã cho biết nợ xấu đã giảm xuống còn 3,6%, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều thông tin khác nhau, cách tính khác nhau về con số nợ, kể cả nợ quốc gia. Có những cách tính khác nhau, thời điểm khác nhau nên con số nợ cũng khác nhau. Vì vậy, “nên tin Thống đốc NHNN” bởi Thống đốc nói là có cơ sở rõ ràng, chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Trong lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc là người chịu trách nhiệm cao nhất.

Trong quý II, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương bám sát Nghị quyết 01, tập trung thực hiện các giải pháp làm tăng tổng cầu đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, như vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ, ODA... Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN; tiến độ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng…

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai hiệu quả các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại.

Cân nhắc kỹ việc tổ chức ASIAD

Tại cuộc họp báo sau phiên họp, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan đến việc tổ chức Đại hội thể thao châu Á – ASIAD. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết từ năm 2010 Bộ VHTTDL đã nắm thông tin, báo cáo với Thường trực Chính phủ và được thống nhất chủ trương chuẩn bị đăng cai tổ chức ASIAD 18. Sau đó Hội đồng Olympic châu Á đồng ý để Việt Nam đăng cai.

Thời điểm năm 2010, chúng ta đề xuất chi khoảng 150 triệu USD cho ASIAD dựa vào dự báo về tốc độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay tình hình thực tế không đạt được như vậy, đòi hỏi phải cân nhắc xem xét. Trước thông tin có hay không việc đặt cọc cho ASIAD và khả năng mất số tiền này, Bộ trưởng cho biết không có việc đặt cọc trước, ngân sách chưa chi khoản nào cho việc này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng trên thực tế, chưa bao giờ tổ chức đại hội thể dục thể thao mà tính ngay đến chuyện lời lãi, nhưng lợi ích sẽ thu được từ nhiều mặt. Đó là khía cạnh để cân nhắc, để thông cảm cho người ủng hộ việc tổ chức này. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình đất nước và hoàn cảnh chúng ta hiện nay, người lãnh đạo sẽ cân nhắc tính khả thi hay không.

Được biết, trong phiên họp sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ VHTTDL tuần sau báo cáo để Thủ tướng nghe và quyết định.

Liên quan đến việc cổ phần hóa VNPT, Bộ trưởng cho biết, việc này Chính phủ đã có kết luận và sẽ sớm thông báo công khai về vấn đề này. Tinh thần của Chính phủ là đồng ý theo đề nghị của Bộ Thông tin truyền thông về tách Mobifone ra khỏi VNPT để chuẩn bị cổ phần hóa đúng kế hoạch. Vấn đề là củng cố để cả hai bên cùng mạnh, giữ thương hiệu, phát triển tốt hơn, sẽ giao trách nhiệm cho Bộ chủ quản thực hiện theo kế hoạch cổ phần hóa mà Chính phủ đã quyết định.

Trả lời câu hỏi của PV TBTCVN về thông tin Thống đốc NHNN cho biết là tỷ lệ nợ xấu đã giảm còn 7%, trong khi trước đó (đầu tháng 3), chính NHNN đã cho biết nợ xấu đã giảm xuống còn 3,6%, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều thông tin khác nhau, cách tính khác nhau về con số nợ, kể cả nợ quốc gia. Có những cách tính khác nhau, thời điểm khác nhau nên con số nợ cũng khác nhau. Vì vậy, “nên tin Thống đốc NHNN” bởi Thống đốc nói là có cơ sở rõ ràng, chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Trong lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc là người chịu trách nhiệm cao nhất.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam