Xây dựng cơ chế cụ thể để phát triển từng ngành năng lượng

15:09 | 30/03/2014 Print
Ngày 28/3, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam tại Hà Nội.

hoi thao nang luong

TS. Phạm Xuân Đương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Đây là diễn đàn tham luận và thảo luận một số nội dung cơ sở khoa học về thị trường và chính sách xây dựng giá năng lượng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; những thành tựu và bất cập về giá năng lượng hiện nay.

Bên cạnh đó là tổng hợp các đề xuất, kiến nghị giải pháp xây dựng chính sách, cơ chế định giá năng lượng (minh bạch, thiết lập và xác lập giá năng lượng trên cơ sở chi phí đầu vào và cạnh tranh thị trường) nhằm nâng cao hiệu quả ổn định nền kinh tế Việt Nam, tạo dựng thị trường năng lượng cạnh tranh hoàn chỉnh, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, thể chế quản lý và vận hành minh bạch, công khai...

Hội thảo đã có nhiều ý kiến phản biện, góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, năng lượng... về thị trường, chính sách giá năng lượng, những thành tựu, bất cập về giá năng lượng hiện nay và giải pháp xây dựng chính sách, cơ chế định giá năng lượng của Việt Nam trong những năm sắp tới.

Với ba ngành kinh tế trụ cột (điện, than, dầu khí), ba mũi nhọn hàng đầu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nền kinh tế - xã hội. Để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài bền vững theo chiến lược của Chính phủ đề ra, các đại biểu phát biểu tại cuộc hội thảo nhìn chung đã đồng nhất ý kiến trong một số điểm quan trọng.

Theo đó, nhằm đạt được những mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết, các đại biểu đã có một số đề xuất giải pháp phát triển thị trường năng lượng: Cải cách thị trường gắn liền với cải cách bộ máy Nhà nước; có thể tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu; công khai các dự án đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng; tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án năng lượng nông thôn, miền núi, hải đảo; tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ quản lý, kỹ thuật; đào tạo bổ sung đón đầu những ngành còn yếu.

Về chính sách giá năng lượng, các đại biểu kiến nghị định hướng xây dựng chính sách giá theo hướng phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chính sách năng lượng quốc gia; định giá năng lượng phải kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi về tài chính; chính sách giá phải được xem như một công cụ quản lý để bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường; đề cao vai trò Nhà nước trong việc xác lập và kiểm soát thực hiện chính sách giá năng lượng, đặc biệt đối với dạng năng lượng mang tính độc quyền…

P.V

P.V

© Thời báo Tài chính Việt Nam