Được thế chấp nhà đang mua để vay gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng

14:05 | 14/03/2014 Print
Giải pháp thế chấp chính căn nhà đang mua để vay gói 30 nghìn tỷ đồng sắp được tung ra, đang được kỳ vọng sẽ mở ra hướng tốt cho việc tiếp cận nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

hoi thao

Tiến độ giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ luôn là vấn đề nóng tại các cuộc Hội thảo của ngành xây dựng

30 năm nữa mới giải ngân hết gói 30 nghìn tỷ đồng?

Tung ra thị trường đã gần 1 năm nhưng gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản mới chỉ giải ngân được 9%. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 17/2/2014, Ngân hàng Nhà mới đăng ký hợp đồng cho vay được 1.466,5 tỷ đồng đối với 17 doanh nghiệp và giải ngân 536,5 tỷ đồng cho 11 doanh nghiệp.

Đối với khách hàng riêng lẻ như hộ gia đình, cá nhân thì cũng chỉ đang ở con số khiêm tốn, cụ thể, đã có 5 ngân hàng cam kết cho vay 2.275 khách hàng cá nhân với số tiền là 821,3 tỷ đồng và giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ là 550,5 tỷ đồng.

Đánh giá về những con số này, một giám đốc công ty bất động sản cho biết, "gói 30 nghìn tỷ đang di chuyển với tốc độ của người một đi bộ và cứ thế này thì phải mất hơn 30 năm nữa thì chúng ta mới có thể giải ngân được hết số tiền".

Lý giải về sự chậm trễ này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Thứ nhất là phải tăng cung nhà ở xã hội, vì nếu không có nhiều nhà ở xã hội dưới 70m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2, thì không thể giải ngân được nhiều. Và chắc chắn không thể giải ngân được cho những đối tượng không đủ tiêu chuẩn theo quy định của gói tín dụng này. Vấn đề thứ 2 là còn quá nhiều những thủ tục không cần thiết, làm cản trở, hạn chế sự tiếp cận của người dân đối với gói tín dụng”.

Vậy ai sẽ là người đứng ra giải quyết những vướng mắc này? Đây cũng là lý do không chỉ Đại biểu Quốc hội Lê Văn Minh đã từng phát biểu trên diễn đàn, mà còn nhiều người dân, các chuyên gia có ý kiến muốn “đòi” lại gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng này. “Quốc hội cần đòi lại ngay gói 30 nghìn tỷ bởi nếu để lâu, sẽ còn nhiều bất cập được phát sinh”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra ý kiến.

Mục đích của gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng là phải sử dụng đúng đối tượng, tránh lợi dụng để trục lợi và gây thất thoát. Tuy nhiên, quan điểm chậm mà chắc, hay “cơm không ăn, gạo còn đấy” của một số người đang khiến cho niềm tin về hiệu quả của gói tín dụng này đang ngày bị mai một...

Sẽ được thế chấp nhà đang mua để vay tiền

Đây là thông tin vừa được Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết tại Hội thảo về nhà ở xã hội tại Việt Nam và bài học kinh nghiệm Quốc tế do Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 12/3.

Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi đã cùng bàn bạc với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), NHNN để ký 1 Thông tư liên tịch là thế chấp chính ngôi nhà người dân mua để được vay gói tín dụng này. Như vậy, nó sẽ mở ra hướng tốt cho việc tiếp cận nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp”.

Được biết, thông tư đã được sự đồng tình ký kết giữa các Bộ và đang tiếp tục được xem xét lấy ý kiến, dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới. Đây là một giải pháp hoàn toàn mới và chưa từng áp dụng đối với nhà ở xã hội kể từ khi có gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, có thể đây sẽ là giải pháp đẩy nhanh được tiến độ giải ngân còn đang "ì ạch" như hiện nay.

Cùng với những dấu hiệu khả quan này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, nhằm đẩy nhanh “tốc độ” giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để gói tín dụng này đến đúng đối tượng để người dân được cải thiện nhà ở. Đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp với phía NHNN đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân của gói 30 nghìn tỷ đồng.

Thực tế thời gian qua, Bộ Xây dựng và NHNN đã có không ít những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, rào cản về thủ tục và việc các doanh nghiệp chưa mặn mà với thị trường nhà ở này đã khiến “tốc độ” của gói này bị co lại.

Theo Bộ trưởng Dũng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân không chỉ là việc riêng của Bộ Xây dựng mà cần phải có vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa phương. Bởi tất cả các dự án phát triển nhà ở xã hội đều ở địa phương và thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương quyết định.

Để cụ thể hóa chiến lược nhà ở, Bộ Xây dựng đã tập trung thực hiện hóa bằng nhiều hành động cụ thể như Nghị định 188/2013/NĐ-CP tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm huy động nguồn lực phát triển nhà ở xã hội và quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân, chủ thể tham gia phát triển nhà ở xã hội, cũng như người được hưởng chính sách tiếp cận với nhà ở xã hội.

Đức Anh

Đức Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam