Tái cấu trúc nền kinh tế: Nói ráo riết, nhưng làm vẫn quá chậm

11:31 | 08/03/2014 Print
Trên thực tế, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế diễn ra quá chậm. Nước ta cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình này và nên tập trung mũi nhọn vào ba vấn đề: Thị trường tài chính, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công.

Đây là chia sẻ của các chuyên gia kinh tế và nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách tại Tọa đàm “Triển vọng kinh tế và tầm nhìn chính sách năm 2014” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

2 năm cải cách vẫn chưa thấy chuyển biến

Đánh giá về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ: “Thực tế thời gian qua cho thấy, đề xuất cải cách nền kinh tế được đưa ra từ năm 2011, nhưng trải qua hai năm (2012- 2013), đến nay Việt Nam vẫn chưa đổi mới được gì”.

Nói về vấn đề này, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, nợ xấu vẫn dậm chân tại chỗ, nợ chéo vẫn mờ mịt, bất động sản bế tắc, doanh nghiệp đình trệ, sức mua chưa có nhiều chuyển biến, tăng trưởng vẫn chỉ trông chờ vào đầu tư công, tín dụng yếu, ngân sách bội chi lớn do chi thường xuyên quá mức. Qua 2 tháng đầu năm vẫn chưa thấy có động thái mới, tín dụng âm, lạm phát trũng xuống, tăng phát hành trái phiếu chính phủ nhưng tổng cầu vẫn thấp…”

Lý giải về nguyên nhân thực trạng đó, theo TS. Võ Trí Thành, thời gian qua, sự ổn định của Việt Nam là dùng mọi cách để làm cho nền kinh tế bình thường trở lại mà chưa gắn liền với cải cách.

alt
Nên tập trung mũi nhọn vào thị trường tài chính, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công Ảnh: nguoiduatin.vn

“Trên thực tế, điều này thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ở đây chỉ cần đề cập đến vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Mỗi động thái của ngân hàng nhà nước để xử lý tình trạng này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các ngân hàng nhỏ mà còn liên quan đến nhiều ngân hàng lớn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói "phải làm thế nào đánh chuột mà không làm vỡ bình thủy tinh", nhưng đánh chuột bé trong bình thì không sao, còn đánh chuột to thì tất nhiên, ai cũng hiểu, rất khó để giữ nguyên được cái bình thủy tinh”, ông Thành ví von.

“Hiện đầu tư công vẫn còn có nhiều nơi kém hiệu quả, thất thoát. Ngân hàng vẫn ì ạch trong xử lý nợ xấu và sở hữu chéo”, TS. Lưu Bích Hồ đánh giá thêm.

Trong thời gian qua, chúng ta đã đối phó với khó khăn, khủng hoảng kinh tế bằng mục tiêu phải làm mọi cách để nền kinh tế ổn định, bình thường trở lại, không để xảy ra tình trạng hỗn loạn.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng, đến giai đoạn này, chúng ta nên bắt đầu nghĩ đến việc ổn định phải đi sâu vào cải cách. Đây là một bài toán rất khó nhưng phải làm cho bằng được nếu muốn phát triển bền vững", ông Thành nhấn mạnh.

Tái cơ cấu tập trung vào ba mũi nhọn

Thời gian qua, chúng ta đã đề cập nhiều, thậm chí là ráo riết đến vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình này diễn ra quá chậm. Theo đó, TS. Võ Trí Thành đưa đánh giá rằng: “Cải cách của Việt Nam mới chỉ là đặt ra chương trình chứ chưa gắn liền với hành động”.

Nói về tái cơ cấu, TS. Lưu Bích Hồ khẳng định: "Hiện tái cơ cấu vừa gặp lực cản lợi ích nhóm, vừa không có nguồn lực. Đặc biệt thể hiện ở cải cách doanh nghiệp nhà nước gần đây được thúc đẩy quyết liệt bằng lời nói nhưng vẫn còn vướng tư duy, lợi ích và lúng túng về cách làm".

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng nhìn nhận: Đánh giá thực chất thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang nằm trong chu kỳ đi xuống. Nếu chúng ta không cải cách khu vực Nhà nước, khu vực tài chính ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản thì khó vực dậy nền kinh tế trong chu kỳ dài hạn.

Trước thực trạng đó, các chuyên gia kinh tế tại cuộc hội thảo này cùng đưa ra quan điểm cho rằng, nước ta cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và nên tập trung mũi nhọn vào ba vấn đề: Thị trường tài chính, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Chỉ có như vậy thì mới “vực dậy” được nền kinh tế trong dài hạn và phát triển bền vững./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam