Kinh tế 2014 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn

21:15 | 20/01/2014 Print
Trong cuộc trao đổi với TBTCVN trước thêm Xuân mới 2014, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đinh Văn Cương nói rằng, bên cạnh một số khó khăn thì tình hình kinh tế - xã hội đất nước đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng…

Dinh Van Cuong

Ông Đinh Văn Cương, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trao tặng quà kỷ niệm Giáo sư Asbjørn Rødseth nhân chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương tới Na Uy. Ảnh: Lê Thanh Bình

PV: Thưa ông, được biết vừa qua Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Na Uy. Xin ông có thể cho biết mục đích và kết quả thu được qua chuyến đi này của đoàn công tác?

Ông Đinh Văn Cương: Ban Kinh tế Trung ương với chức năng là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội và với nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất, thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về các cơ chế, chính sách, các đề án, dự án lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Kinh tế của Việt Nam năm 2014 sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Nhìn chung, kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm 2013, nhưng khó có thể lấy lại được đà tăng trưởng nhanh...
Dinh Van Cuong
Ông Đinh Văn Cương

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Kinh tế Trung ương đã cử đoàn gồm 5 cán bộ đến Na Uy để học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với Bộ Lao động và việc làm; Bộ Y tế và dịch vụ xã hội; Trường Đại học Oslo với giáo sư Asbjørn Rødseth về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực xã hội như: Kinh nghiệm quản lý quỹ bảo hiểm xã hội (quỹ hưu trí); Bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cho những người yếu thế; Kinh nghiệm bảo đảm nhà ở cho người có hoàn cảnh khó khăn; Dịch vụ xã hội đối với người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật; Chính sách kinh tế vĩ mô của Na Uy.

Chúng tôi rất cảm động trước những tình cảm nồng ấm, sự đón tiếp chân tình và trọng thị của Bộ Lao động và việc làm; Bộ Y tế và dịch vụ xã hội; Giáo sư Asbjørn Rødseth, Trường Đại học Oslo đã dành cho chúng tôi trong trong các buổi làm việc.

Đợt học tập, trao đổi kinh nghiệm lần này thu được nhiều kết quả quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế, lao động việc làm của Na Uy và đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi nghiên cứu, tham mưu, đề xuất từng bước vận dụng sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Ngoài ra đợt học tập, trao đổi kinh nghiệm lần này cũng là cơ sở để củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Na Uy.

PV: Được biết, GS.TS. Asbjørn Rødseth – một người rất có cảm tình với Việt Nam và là một chuyên gia có uy tín về lĩnh vực kinh tế trên thế giới. Ông có thể cho biết cảm nhận của mình qua buổi làm việc với riêng GS.TS. Asbjørn Rødseth?

Ông Đinh Văn Cương: Tôi rất vui, ấn tượng trước những tình cảm chân thành và sự nhiệt huyết của giáo sư Asbjørn Rødseth đã dành cho chúng tôi trong thời gian làm việc tại trường.

Tôi biết giáo sư Asbjørn Rødseth là một chuyên gia có uy tín về lĩnh vực kinh tế đối với Na Uy và trên thế giới, ông đã trải qua nhiều vị trí công tác quan trọng như là: Trưởng ban Kinh tế Đại học Oslo; Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiền tệ và tài chính; Ủy viên Ủy ban kinh tế, Hội đồng nghiên cứu Nauy NAVF; Thành viên Hội đồng Ngân hàng Norges; Thành viên Hội đồng quản trị Trung tâm nghiên cứu môi trường và khí hậu; Ủy viên thường vụ Hội đồng Khoa học xã hội châu âu; Thành viên Cơ quan giám sát tài chính Nauy; Thành viên Ủy ban Hoàng gia về lương hưu; chính sách nhà ở; thanh niên thất nghiệp…

Thời gian làm việc với giáo sư Asbjørn Rødseth không được nhiều nhưng ông đã giành tối đa thời gian để nói về vấn đề điều hành kinh tế vĩ mô của Na Uy (Nợ chính phủ Na Uy hiện đang là âm trên 170 tỷ USD, tức Na Uy đang là chủ nợ của nhiều nước); vấn đề lạm phát, tốc độ tăng trưởng; lương bình quân; vấn đề dân số và người nhập cư….

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương chụp ảnh lưu niệm cùng giáo sư Asbjørn Rødseth, Trường Đại học Oslo (Na-Uy).

PV: Năm 2013 là năm đầu tiên Ban Kinh tế Trung ương được tái lập đi vào hoạt động… Xin ông có thể chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn cũng như những kết quả công tác của Ban Kinh tế Trung ương trong thời gian qua?

Ông Đinh Văn Cương: Năm 2013 là năm đầu tiên Ban Kinh tế Trung ương đi vào hoạt động theo Quyết định số 160-QĐ/TW ngày 28/12/2012 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn của thời gian đầu sau tái lập.

Trong thời gian đầu, Ban Kinh tế Trung ương vừa phải cùng lúc thực hiện song song việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy, tuyển dụng nhân sự, vừa phải triển khai ngay các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao với khối lượng công việc rất lớn, trong khi đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất, phương tiện làm việc đều còn thiếu…

Có thể nói, năm 2013, trong điều kiện Ban mới tái thành lập, có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự đặc biệt quan tâm chỉ đạo, động viên của đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự ủng hộ, giúp đỡ của Quốc hội và Chính phủ, và các cơ quan có liên quan, đồng thời với tinh thần đoàn kết, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của Lãnh đạo Ban, toàn thể cán bộ, công chức Ban Kinh tế Trung ương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tận dụng những thuận lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, cơ bản hoàn thành có chất lượng và khá toàn diện nhiệm vụ kế hoạch công tác 2013.

Ban Kinh tế Trung ương đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó, nỗ lực vượt bậc và ý thức trách nhiệm cao của cán bộ lãnh đạo, công chức và người lao động, nên đã hoàn thành được những kết quả đề ra.

Theo đó, đến nay Ban đã xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ Lãnh đạo Ban, đến nay đã có 10 đồng chí, gồm Trưởng ban, 6 Phó trưởng ban chuyên trách, 3 Phó trưởng Ban kiêm nhiệm, trong đó có 5 đồng chí là Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Xây dựng tổ chức bộ máy các vụ, đơn vị, quy chế và lề lối làm việc; công tác cán bộ; xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị; công tác thông tin kinh tế và truyền thông; Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế (trong năm, lãnh đạo Ban đã tiếp và làm việc với 18 tổ chức quốc tế; cử 51 lượt cán bộ công chức của Ban đi nghiên cứu, khảo sát, bồi dưỡng nâng cao trình độ qua các khóa đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài).

Ban cũng đã ký quy chế phối hợp và thỏa thuận hợp tác với 13 cơ quan, đơn vị; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức 25 hội thảo khoa học, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia và cộng tác viên về các đề án thực hiện trong năm…

Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ được giao, qua thực tế theo dõi, giám sát hoạt động về kinh tế - xã hội của các ban cán sự đảng bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy, Ban Kinh tế Trung ương đã tham gia các ý kiến về nhân sự bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý ở một số Bộ, ngành Trung ương, các ý kiến tham gia có trách nhiệm, sâu sát và đáp ứng yêu cầu về thời gian của Ban Tổ chức Trung ương.

PV: Đã có nhiều ý kiến dự đoán, dự cảm về tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm 2014. Về phần mình, ông có nhận định và đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2014, thưa ông?

Ông Đinh Văn Cương: Cá nhân tôi cho rằng, kinh tế của Việt Nam năm 2014 sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Nhìn chung, kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm 2013, nhưng khó có thể lấy lại được đà tăng trưởng nhanh bởi một số lý do như:

Thứ nhất, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tiếp tục phục hồi song với tốc độ chậm và còn nhiều khó khăn, hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế.

Thứ hai, tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước dự toán năm 2014 tăng ở mức thấp so với mức tăng năm 2013 và năm 2012, chi ngân sách giảm sẽ là yếu tố góp phần làm giảm tăng trưởng.

Thứ ba, Quốc hội vẫn đặt ra mục tiêu tiếp tục điều hành nền kinh tế theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược và đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Việc đặt ưu tiên chính sách điều hành vào tăng trưởng ổn định có chất lượng thay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao cũng là xu hướng chung của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh một số khó khăn thì tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng trên các lĩnh vực, đạt được những kết quả cơ bản: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát (chỉ ở mức 6,04%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây), tăng trưởng cao hơn năm trước (đạt 5,42% cao hơn năm trước (5,25%); tăng cường đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; Kinh tế có bước phục hồi, do đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Tái cơ cấu kinh tế đạt kết quả bước đầu, cùng với ba đột phá chiến lược được triển khai đồng bộ và đã đạt được một số kết quả…

Cùng với đó, vừa qua Chính phủ đã ra Nghị quyết về tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, điều này sẽ giúp môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, niềm tin của nhà đầu tư tăng dần trở lại.

Một điểm tích cực nữa trong năm 2014, đó là mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, tỷ giá tiếp tục ổn định, tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm, dự trữ ngoại hối Nhà nước được tăng cường; hoạt động xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài thuận lợi hơn khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

Mai An (thực hiện)

Mai An (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam