Diễn đàn VDPF: Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác mới

12:19 | 05/12/2013 Print
Năm nay chúng ta cùng chứng kiến Việt Nam từ một "quốc gia nhận tài trợ" trong 20 năm qua, đã trở thành "quốc gia đối tác phát triển", lần đầu tiên tổ chức phiên họp Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam thường niên tập trung đối thoại về chính sách, kết nối giữa đối thoại chính sách ở cấp ngành với cấp quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: H.T

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu như vậy tại Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) với chủ đề "Thiết lập đối tác mới, hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững" được tổ chức vào sáng nay 5/12, tại Hà Nội.

Đánh giá về tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, đang phục hồi và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn. Năm 2013 tăng trưởng GDP đạt 5,4%, bình quân 3 năm 2011-2013 tăng 5,6/năm (tuy còn thấp hơn mức 7,2% năm 2006-2010), đưa quy mô nền kinh tế đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD. Dự kiến GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8% và năm 2015 tăng 6%.

Việt Nam đã kiên trì thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, giảm từ mức 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 6% năm 2013, thấp nhất trong 10 năm qua. Đây là một trong những thành tựu nổi bật trong điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong 3 năm qua, xuất khẩu liên tục tăng cao, 11 tháng năm 2013 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121 tỷ USD, tăng 16,2%, nhập siêu giảm mạnh, năm 2013 chỉ còn khoảng 500 triệu USD.

Vốn ODA ký kết và giải ngân đạt kết quả khá, 11 tháng 2013 giải ngân đạt trên 44 tỷ USD tăng 13,5%. Tổng vốn FDI đăng ký tăng mạnh, đạt gần 21 tỷ USD tăng 54,2%, số vốn giải ngân đạt khoảng 11,5 tỷ USD.

Phát biểu tại diễn đàn bà Victoria Kawakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.

"Chúng tôi nhận thấy những tiến bộ đã đạt được qua các văn bản pháp luật mới được thông qua gần đây như: sửa đổi hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu... Chúng ta tin tưởng rằng VDPF sẽ tăng cường mối quan hệ đối tác thông qua đối thoại chuyên sâu và qua đó tìm ra các hành động cụ thể, cùng nhau thực hiện giúp Việt Nam thành công với tư cách là một nước thu nhập trung bình", bà Kwakwa nói.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục. "Tại diễn đàn này trên cơ sở đối tác mới, chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến góp ý, tư vấn để xây dựng cơ chế chính sách phù hợp hơn, cũng như sự hỗ trợ quý báu về nguồn lực của cộng đồng các nhà tài trợ nhằm giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng phát triển trong thời gian tới" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh./.

Trung Ninh

Trung Ninh

© Thời báo Tài chính Việt Nam