Tìm giải pháp về vốn cho các dự án ngành điện

11:00 | 05/12/2013 Print
Đây là nội dung Hội thảo khoa học "Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam" sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 13/12 tới đây, nhằm đánh giá lại thực trạng đầu tư các công trình điện và những vướng mắc trong việc huy động, sử dụng nguồn vốn đầu tư hiện nay.

Hội thảo sẽ hướng đến việc tìm ra giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư thỏa đáng, đồng thời mở ra cơ hội cho các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia mạnh mẽ vào các dự án điện của Việt Nam.

Tham dự hội thảo gồm các đại biểu đến từ các bộ, ngành liên quan, đại diện một số tổ chức tín dụng, các tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; các Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Phát điện (GENCO), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; các tổng công ty điện lực miền và thành phố... cùng với sự tham gia trao đổi, phản biện của các chuyên gia kinh tế - tài chính, ngân hàng và năng lượng hàng đầu ở trong nước.

Tìm giải pháp về vốn cho các dự án ngành điện
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện trong giai đoạn 2011-2030 ước tính là 123,8 tỷ USD. Ảnh: TL

Theo chiến lược và quy hoạch phát triển ngành năng lượng Việt Nam từ nay cho đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, mỗi năm ngành năng lượng Việt Nam cần tới hàng chục tỷ USD/năm để đầu tư vào các dự án thăm dò, khai thác, chế biến than - dầu khí; các dự án nguồn và lưới điện, năng lượng tái tạo.

Trong đó, riêng về đầu tư công trình điện, theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII) thì chỉ riêng nhà máy nhiệt điện chạy than đã phải xây dựng 52 nhà máy. Ngoài ra còn có các nhà máy nhiệt điện chạy khí, thủy điện, thủy điện tích năng và cả nhà máy điện hạt nhân; đồng bộ với hệ thống nguồn là hệ thống truyền tải và phối điện trên phạm vi cả nước.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện trong giai đoạn 2011-2030 ước tính khoảng 123,8 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2011-2020 là 48,8 tỷ USD và giai đoạn 2021-2030 là 75 tỷ USD.

Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các dự án rất chậm trễ. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chủ yếu vẫn là tình trạng thiếu vốn trầm trọng trong từng dự án, một số dự án chưa rõ nguồn vốn.

Chính vì vậy, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề về Quy hoạch điện VII (bao gồm các dự án nguồn, lưới điện truyền tải, phân phối được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011-2020 và chính sách đầu tư); mối quan hệ giữa đầu tư nguồn vốn cho các dự án nguồn điện và lưới điện của Việt Nam trong Quy hoạch điện VII; Những bất cập, hạn chế của các cơ chế chính sách huy động vốn đầu tư các dự án điện hiện nay; Đề xuất các giải pháp điều chỉnh quy hoạch phù hợp với nhu cầu phụ tải và khả năng đáp ứng về vốn đầu tư trong thời gian tới.

Bên cạnh đó còn có báo cáo tham luận của các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về đánh giá thực trạng nguồn vốn đầu tư các dự án nguồn điện đang triển khai và khả năng thu xếp vốn của các dự án mới; Những khó khăn, thách thức và kiến nghị giải pháp tháo gỡ.../.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam