Rất khó luận tội sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng

17:00 | 03/12/2013 Print
Đây là nhận định của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa tại hội thảo khoa học “Tổ chức kiểm toán quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế” tổ chức sáng nay (3/12), về một trong ba rủi ro lớn đối với quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại (NHTM).

Vốn ảo tăng nhanh vì sở hữu chéo Tại hội thảo, đánh giá về tình hình tái cơ cấu ngân hàng thương mại, TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho biết, vài năm trước đây, với sự chỉ đạo nóng vội, nhất là nóng vội tăng vốn điều lệ của khu vực ngân hàng đã dẫn đến hiện tượng đánh tráo qua các công ty con, bằng nhiều biện pháp khác nhau tăng vốn ảo trong ngân hàng. Vốn khu vực ngân hàng nở ra rất nhanh trong thời gian ngắn. Nhiều chủ ngân hàng góp vốn hoàn toàn ảo vào ngân hàng, dùng vốn ảo để lũng đoạn ngân hàng, biến ngân hàng thành tài sản của gia đình, thành ngân hàng cá nhân, cho ai vay là tuỳ thích. Phần lớn vốn đó được cho vay vào các công ty sân sau của chính chủ ngân hàng. Ông Nghĩa thừa nhận, đến giờ phút này, Ủy ban Giám sát Tài chính cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể điều tra ra được công ty nào là của ai, vì đứng rất nhiều tên. Có người thanh tra ngân hàng điều tra ra nợ 7.000 - 8.000 tỷ đồng, nhưng trên sổ sách chỉ nợ 150 tỷ đồng. Chính điều này đẩy hệ thống ngân hàng tới chỗ không còn quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, các chuẩn mực an toàn... Sở hữu chéo và cổ đông lũng đoạn rất mạnh, chất lượng tài sản thấp, nợ xấu cao, chất lượng báo cáo tài chính rất thấp, kỷ luật thị trường yếu. Đây là những đặc trưng của ngân hàng trước khi tiến hành tái cơ cấu. Tuy nhiên, từ khi kế hoạch tái cơ cấu được triển khai đã đạt được những thành quả bước đầu. Hệ thống ngân hàng đã thoát khỏi hiểm nghèo về thanh khoản, trở nên tương đối ổn định, xử lý được một phần nợ xấu (100.000 tỷ đồng) bằng dự phòng rủi ro của NHTM, chấn chỉnh được một phần kỷ luật thị trường, xử lý 8/10 NHTM yếu kém, loại bỏ vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng... 3 rủi ro lớn trong cải cách ngân hàng Hiện nay, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá có 3 rủi ro lớn trong cải cách ngân hàng. Thứ nhất là xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu XDCB đang nằm trong các NHTM và nợ xấu của các DNNN. Thứ hai là sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng, bởi không thể một sớm một chiều xử lý được. Luận tội về sở hữu chéo và lũng đoạn rất khó vì Việt Nam chưa có khung pháp lý, trong khi tội danh đó ở các nước bị xử lý rất nặng. Thứ ba là rủi ro chéo từ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP). Thị trường trái phiếu Việt Nam chiếm 16% GDP, riêng TPCP chiếm 80%, nằm chủ yếu ở NHTM. Nếu thanh khoản thị trường trái phiếu có vấn đề thì các NHTM sẽ khó khăn lớn. Kế hoạch của NHNN năm tới là xử lý nợ xấu trên quy mô lớn. (Ảnh minh họa) Theo TS Lê Xuân Nghĩa, kế hoạch của NHNN năm 2014 – 2015 là sẽ xử lý trên quy mô lớn toàn bộ nợ xấu và tập trung phá băng tín dụng, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trở lại cho nền kinh tế. Áp dụng các khung pháp lý để xử lý tình trạng sở hữu chéo và lũng đoạn. Kiên quyết xử lý tất cả các ngân hàng yếu kém, và con số ngân hàng yếu kém có thể sẽ tăng lên. Siết chặt hơn nữa kỷ luật thị trường. Thực hiện một loạt các chương trình đã được chuẩn bị về hiện đại hóa khu vực ngân hàng. Đây là những vấn đề liên quan mật thiết đến quá trình kiểm toán. NHNN sẽ công bố hàng loạt các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn quốc tế, các chỉ tiêu giám sát. Việc giám sát, kiểm toán các NHTM sẽ có những thay đổi phức tạp hơn. Các ngân hàng sẽ áp dụng các chuẩn mực mới trong đó có chuẩn mực tín dụng và sổ tay tín dụng. Kiểm toán tái cơ cấu NHTM còn mờ nhạt Phát biểu tại hội thảo, Thạc sĩ Đặng Thế Bình, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII cho biết, từ nhiều năm nay, đối với các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN), Kiểm toán Chuyên ngành VII chủ yếu thực hiện các cuộc Kiểm toán Báo cáo tài chính. Đối với chương trình tái cơ cấu các NHTMNN, năm 2013 mới tổ chức kiểm toán lồng ghép tại các cuộc kiểm toán NHTM năm 2013 , như các cuộc kiểm toán Agribank, VCB, Vietinbank. Nội dung chủ yếu của các cuộc kiểm toán vẫn là kiểm toán báo cáo tài chính nhằm xác nhận tính hợp pháp, hợp lệ của số liệu, tính tuân thủ… Do vậy, việc triển khai kiểm toán tái cơ cấu các NHTMNN vẫn còn rất mờ nhạt. Đề án tái cơ cấu của từng NHTMNN chưa được phê duyệt nên chưa phát sinh nhiều các nghiệp vụ liên quan đến tái cơ cấu tổ chức bộ máy, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này trong năm 2012, 2013. Các kết quả thu được từ việc kiểm toán tái cơ cấu của các NHTMNN năm 2013 chưa có gì đáng kể ngoài việc đánh giá, điều chỉnh lại tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng này.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam