Khó hoàn thành hết các mục tiêu Thiên niên kỷ y tế

18:23 | 19/11/2013 Print
Đó là nhận định của Bác sĩ Nguyễn Đình Anh-Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), tại hội nghị tập huấn và cung cấp thông tin cho báo giới khu vực phía Nam diễn ra sáng ngày 19/11/2013 tại TP.Hồ Chí Minh.

Mới có 2 trong 5 mục tiêu Thiên niên kỷ về y tế hoàn thành. Ảnh Đỗ Doãn

Trong 8 mục tiêu Thiên niên kỷ được 189 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015, đã được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ, diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/9/2000 tại Hoa Kỳ. 5 mục tiêu liên quan mật thiết đến sức khỏe gồm: triệt để loại trừ tình trạng bần cùng và thiếu ăn; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác; đảm bảo bền vững môi trường.

5 mục tiêu này đã được ngành Y tế cụ thể hóa như sau: Giảm 50% tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân trong thời gian từ năm 1990 đến năm 2015; giảm 2/3 tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi giai đoạn 1990-2015 và tăng tỷ lệ tiêm phòng sởi cho trẻ em dưới 1 tuổi; giảm 3/4 tỷ suất chết mẹ/100.000 trẻ đẻ sống trong giai đoạn 1990-2015; chặn đứng và đẩy lùi tình trạng lan rộng HIV/AIDS, sốt rét, lao vào năm 2015; giảm 50% tỷ lệ dân không được tiếp cận thường xuyên với nước sinh hoạt hợp vệ sinh và vệ sinh môi trường được cải thiện vào năm 2015…

Bác sĩ Nguyễn Đình Anh cho biết, ngành Y tế hiện đã hoàn thành được 2 trong 5 mục tiêu là giảm 50% tỷ lệ trẻ trẻ suy dinh dưỡng (41% năm 1990 xuống còn 16,2% vào năm 2012) và đảm bảo bền vững về môi trường (tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, xử lý chất thải đều đạt và vượt mục tiêu với tỷ lệ lần lượt là 86,7%, 54% và 82,5%).

Ngoài 2 mục tiêu trên, khả năng hoàn thành các mục tiêu còn lại là không cao và cần phải có sự nỗ lực lớn. Riêng mục tiêu khống chế các thể dịch nguy hiểm, ngành Y tế mới chỉ hoàn tất được đề mục nhỏ là khống chế tốt bệnh sốt rét, các thể dịch khác như HIV/AIDS, lao… dù đã được khống chế nhưng nguy cơ quay trở lại vẫn rất cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Anh, thực tế này đã được ngành Y tế tổng kết, đánh giá và đưa ra 4 giải pháp tiếp theo, gồm duy trì các thành quả đạt được, tăng cường tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng chính quyền, đưa mục tiêu Thiên niên kỷ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tăng cường sự tham gia của các ban ngành đoàn thể và đưa vào các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến y tế để tranh thủ sự quan tâm và đầu tư từ ngân sách Nhà nước - cả địa phương lẫn trung ương trong bối cảnh nguồn viện trợ nước ngoài đang giảm dần…

“Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở miền núi, vùng sâu vùng xa; triển khai các giải pháp chuyên môn kỹ thuật đối với từng mục tiêu; huy động sự hỗ trợ và hợp tác về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế; tăng cường phối hợp liên ngành, sự tham gia của các đoàn thể, quần chúng và người dân… là những giải pháp cụ thể và trước mắt của ngành Y tế đối với việc hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ”, bác sĩ Nguyễn Đình Anh cho biết./.

Đỗ Doãn

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam