Tuyển sinh cao đẳng 2013-2014: Một mùa thất bát

15:58 | 19/11/2013 Print
Đã kết thúc kỳ tuyển sinh cao đẳng (CĐ) được hơn nửa tháng. Thông tin dồn dập đổ về, tỷ lệ tuyển sinh các trường thấp chưa từng có. Một mùa tuyển sinh thất bát - nguyên nhân do đâu?

Nhớ lại những “mùa bội thu”

Mấy năm trước, tâm lý của thí sinh bước vào mùa thi tuyển sinh đại học (ĐH), CĐ khá thoải mái, do Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh học hệ CĐ xong được qua một kỳ sát hạch tại trường rồi học thêm 1,5 năm nữa để lấy bằng đại học. Nhiều thí sinh cũng như các bậc phụ huynh đều có tâm lý: Nếu thi trượt ĐH năm nay, sẽ đầu quân vào hệ CĐ của một trường ĐH nào đó, rồi sau đó học tiếp lên, để tránh phải mất 1 năm nặng nề cho việc ôn và thi lại.

Cách thức đào tạo liên thông đó đã giúp cho nhiều thí sinh không lọt ngưỡng cửa thi ĐH, nhưng sau một thời gian học tập tại các cơ sở giáo dục có hệ liên thông, vẫn có bằng ĐH “như ai”. Theo đó các trường CĐ và hệ CĐ các trường ĐH rộn ràng tuyển sinh như mở hội. Ngay cả các trường CĐ các tỉnh xa xôi, cũng nhận thức và nắm bắt được ngay cơ hội. Những chuyến xe xuôi ngược tìm đối tác tận Thủ đô, rồi những hợp đồng liên kết được ký, thậm chí trường sở được mở mang, xây dựng thêm phòng ốc để đón sinh viên.

Tuyển sinh được nhiều thì ngân sách rót vào cũng nhiều hơn, ngoài ra, phần thu thêm các loại chi phí từ sinh viên cũng là nguồn để nhà trường rủng rỉnh chi khoản nọ, kia, cải thiện đời sống cho cán bộ, giảng viên…

Nhiều trường CĐ đang đà phát triển, cũng vì thấy tuyển sinh dồi dào mà nuôi kỳ vọng “dấn” thêm bước nữa trở thành ĐH. Thế nhưng, giống như mùa màng không phải năm nào cũng bội thu...

tuyen sinh
412 trường ĐH, CĐ cho 90 triệu dân Việt Nam là nhiều hay ít? Ảnh: HG

“Đìu hiu chợ chiều”

Giống như tấm màn nhung đã vén lên, diễn viên đã ra chào mà… khán giả còn chưa tới, hay có thể ví như bữa cỗ cưới đã dọn tràn lan mà quan khách chẳng thấy đâu! Tình cảnh các trường cao đẳng năm nay ê chề như vậy.

Khí thế của những năm trước đâu còn, bao nhiêu hợp đồng liên kết với các trường đại học danh tiếng để đào tạo liên thông, với những kế hoạch phát triển quy mô vươn lên thành trường đại học… của nhiều trường đang dần tan thành mây khói.

Thời điểm kết thúc thời gian tuyển sinh ĐH, CĐ theo quy định đã qua hơn nửa tháng (30/10). Ngay cả các trường CĐ top đầu tại TP. Hồ Chí Minh như trường CĐ Công Thương, Trường CĐ Tài chính Hải quan, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex… cũng không đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Tại Đà Nẵng, trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm chỉ tuyển được gần 570 sinh viên, đạt 20,6% chỉ tiêu; Trường Cao đẳng Giao thông - Vận tải chỉ tuyển được 358 sinh viên, đạt 16,7% chỉ tiêu; Trường Cao đẳng Viễn Đông tuyển 2.500 chỉ tiêu nhưng hiện chỉ có trên 400 em nhập học. Trong khi đó, các trường đều được các Bộ, ngành đầu tư cơ sở vật chất khang trang và đội ngũ cán bộ giáo viên đáp ứng đủ về cả lượng và chất.

Lỗi tại… thông tư ?

Nguyên nhân gây nên nỗi đìu hiu chợ chiều của các trường cao đẳng năm nay, được nhiều người không ngại chỉ tên - đó chính là thông tư Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ra ngày 25/12/2012, trong đó có quy định mới về điều kiện được thi và học liên thông của học viên hệ cao đẳng.

Các trường đều cho rằng Thông tư 55 chính là “rào cản” tác động trực tiếp đến việc tuyển sinh hệ cao đẳng. Theo quy định của thông tư, phải mất đến 7 năm rưỡi nếu sinh viên cao đẳng muốn lấy bằng đại học, gồm 3 năm học cao đẳng, 3 năm sau nữa mới được thi liên thông và 1,5 năm học liên thông đại học. Còn nếu muốn được học tiếp lên ĐH ngay, sinh viên tốt nghiệp CĐ phải nộp hồ sơ thi đầu vào cùng kỳ thi tuyển sinh ĐH như các thí sinh tự do và học sinh tốt nghiệp phổ thông khác - điều mà rất ít người đủ nghị lực vượt qua được sau 3 năm không ôn những kiến thức phổ thông để đáp ứng cho kỳ thi.

Tuyển sinh cao đẳng 2013-2014: Một mùa thất bát
Chúng ta phải nhìn sâu hơn rằng không tuyển sinh được là vì những lý do gì. Nếu các em vào trường để có mục tiêu cuối cùng là vào đại học thì việc thành lập các trường cao đẳng, các trường trung cấp là sai mục tiêu, không thực hiện được sứ mạng và chúng ta sẽ tiếp tục việc mất cấn đối giữa thầy với thợ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận

Việc không tuyển được sinh viên đồng nghĩa với việc trường sẽ đứng trước rất nhiều khó khăn về tài chính để có thể đảm bảo chất lượng đào tạo, do không có nguồn thu từ học phí. Lãnh đạo một số trường CĐ cho rằng, quy định của Bộ là đột ngột, đưa ra và áp dụng ngay, không có lộ trình, khiến trường và cả học sinh bị động, nên đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có cách nào “cởi trói” Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT để giúp các trường “dễ thở” hơn trong việc tuyển sinh.

Vậy thì tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho ra đời cái thông tư “oái ăm” chặn ngang đường tiến của các trường CĐ?

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, thông tư này nhằm trả các trường về đúng vị trí, nhiệm vụ đào tạo của mình, chấm dứt tình trạng học sinh coi các bậc trung cấp, cao đẳng là điểm dừng chân để học lên đại học.

Ông Luận cho rằng, hiệu trưởng các trường cần nghiên cứu quán triệt vấn đề quan trọng nhất là phân luồng, làm sao để chuyện học nghề, học cao đẳng không phải là con đường vòng. Trung cấp, cao đẳng, học nghề là học có nghề để đi làm, sau đó nếu có điều kiện thuận lợi thì đi học tiếp. Mục tiêu thiết kế hệ thống là để tạo nhân lực ở các cấp độ khác nhau cung cấp cho thị trường lao động.

Cùng quan điểm trên, một giáo sư đầu ngành đã phát biểu, đây là quy định đúng nhằm đưa liên thông trở về đúng bản chất của nó, chứ không phải là “nồi cơm” kiếm tiền của các nhà trường.

Từ năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo bước đầu đã siết lại một số ngành nghề đang thừa đầu ra, đồng thời giảm quy mô đào tạo không chính quy, chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng công tác đào tạo gắn với yêu cầu, đòi hỏi của thị trường lao động. Về lâu dài, hệ thống các trường đại học, cao đẳng cần phải được điều chỉnh phù hợp về quy mô, cơ cấu đào tạo và nhất thiết phải xây dựng cho được chiến lược đào tạo nhân lực ở bậc đại học, cao đẳng một cách khoa học, hợp lý.

Kim Thanh

Kim Thanh

© Thời báo Tài chính Việt Nam