Đại biểu Quốc hội góp ý qua phiếu cho dự thảo Hiến pháp

12:11 | 18/11/2013 Print
Ngày 18/11, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thay vì thảo luận tại hội trường như chương trình dự kiến trước đây, các ĐB Quốc hội góp ý qua phiếu cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

QH

>> Khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Hiến pháp

Đầu phiên họp, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường về chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu thêm một số ý kiến về những nội dung quan trọng còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Cụ thể như, đối với điều 110, Chủ tịch Quốc hội cho biết mỗi đơn vị hành chính của nước ta thể hiện truyền thống kinh tế, văn hóa xã hội của dân tộc, từ thôn, bản, phường, xã, quận, huyện, tỉnh, thành phố… về cơ bản ổn định và đang vận hành. Giờ nếu để luật mở ra nữa thì sẽ thay đổi rất phức tạp. Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của các vị ĐB, dự thảo đã bổ sung thêm quy định việc lập mới, chia tách giải thể, sáp nhập thì phải lấy ý kiến nhân dân trước khi ra Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ điều 110 về đơn vị hành chính được giữ ổn định như trước.

Sau phần phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thay vì thảo luận tại hội trường như chương trình dự kiến trước đây, các ĐB Quốc hội góp ý trực tiếp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau bằng cách ghi vào phiếu lấy ý kiến.

Chiều nay, các ĐB Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Đầu tư công và Luật Phá sản (sửa đổi)./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam