Sai phạm của EVN qua thanh tra: Mới chỉ là ý kiến ban đầu...

09:09 | 05/11/2013 Print
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều tối ngày 4/11 của Bộ Công thương, nhiều câu hỏi nóng được báo giới đưa ra như: những sai phạm theo kết luận thanh tra về sử dụng vốn, tài sản của EVN? Vấn đề nợ phí môi trường rừng... đã được các đại diện của Bộ này chia sẻ, giải đáp.

Chờ ý kiến Thủ tướng

Trước hàng loạt những câu hỏi của báo chí về kết luận của Thanh tra Chinh phủ trong việc sử dụng vốn, tài sản của EVN, ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, đây mới là ý kiến ban đầu về những vấn đề phát hiện được của EVN.

"Theo quy định, sau khi các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH… có ý kiến thì Thủ tướng Chính phủ sẽ có kết luận chính thức. Đây mới là kết luận cuối cùng về vụ việc tại EVN", ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, sở dĩ phải chờ kết luận của Thủ tướng vì “EVN là một DN nhà nước, chắc chắn sẽ hoạt động dưới sự kiểm tra, giám sát của các Bộ, ngành có thẩm quyền. Như vậy, sau khi có kết luận của Thủ tướng chính phủ, Bộ Công thương với trách nhiệm là đơn vị chủ quản sẽ cương quyết chỉ đạo những sai sót của EVN”, ông Phúc cho hay.

Về các sai phạm khác do nguyên nhân khách quan, bất cập do cơ chế thì Bộ Công thương sẽ phối hợp với các Bộ liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có hướng giải quyết, khắc phục, tạo điều kiện cho DN phát triển, cũng như đảm bảo giá điện cho người tiêu dùng, phản ánh đúng các chi phí của nó.

Các doanh nghiệp đã nộp phí môi trường rừng

Trước thông tin các nhà máy thủy điện nợ đọng, thậm chí không nộp phí dịch vụ môi trường, ông Phúc cho biết: “Cuối năm 2012 chúng tôi có nhận được thông tin về việc một số nhà máy thủy điện chưa nộp phí này, với trách nhiệm là Bộ quản lý, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN thực hiện chi trả phí môi trường rừng.

Theo báo cáo ngày 9/1/2013 của EVN, toàn bộ phí môi trường rừng của các đơn vị hạch toán phụ thuộc của EVN năm 2010 - 2011 đã được nộp trả. EVN cũng cam kết những phát sinh sau này sẽ được nộp đúng tiến độ. Những đơn vị khác không thuộc EVN thì thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh, nơi cấp phép cho các DN này phải có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị nộp phí, thuế theo đúng trách nhiệm của mình.

Cũng liên quan đến việc hoàn phí bảo vệ môi trường rừng, ông Lê Tuấn Phong - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục năng lượng (Bộ Công thương) cho biết: Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP (ngày 24/9/2010) về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là chính sách rất đúng đắn về bảo mệ môi trường rừng, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ rừng cũng như để xóa đói giảm nghèo.

Trước thông tin nhiều DN không đóng phí bảo vệ môi trường rừng, ông Phong cho biết: Tất cả các địa phương có dự án thủy điện lớn thì đã nộp phí, nhiều tỉnh thu được hàng trăm tỷ đồng tiền phí dịch vụ môi trường rừng, được ủy thác vào quỹ bảo vệ, phát triển môi trường rừng.

Các thủy điện vừa và nhỏ tại các địa phương như Sơn La, một vài tỉnh thuộc miền núi phía Bắc thu được hàng chục tỷ đồng. Các DN khác gặp khó khăn về tài chính trong việc trả nợ gốc và lãi, thì họ khất nợ.

Cũng theo ông Phong, năm 2013 Bộ Công thương đã ban hành biểu giá chi phí chiến lược áp dụng cho các thủy điện nhỏ, trong đó đã cộng chi phí bảo vệ môi trường rừng vào trong đó (20 đồng/kWh), tức là các chủ đầu tư có nguồn thu để trả nợ. Do đó, thông tin nói nhiều DN không trả là không đúng. “Theo quy định của pháp luật hiện hành thì phải nộp, Bộ Công thương tính chi phí vào trong giá điện, nên không có lý do gì không nộp”, ông Phong nói./.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam