Đại biểu Quốc hội trăn trở với những khó khăn nội tại của nền kinh tế

10:28 | 01/11/2013 Print
Ngày 31/10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, năm 2014, kết hợp thảo luận về kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015).

Hầu hết các ý kiến đại biểu (ĐB) đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích cụ thể những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt, trong đó có 8 khó khăn, hạn chế mà báo cáo Chính phủ nêu ra, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp để cải thiện, tháo gỡ những khó khăn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Quốc hội trăn trở với những khó khăn nội tại của nền kinh tế
9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 6,8%, có 42.000 DN giải thể, phá sản; thu ngân sách khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Do vậy, nếu nói tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn năm ngoái thì đáng nghi ngờ... ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)

Yêu cầu cải cách triệt để hệ thống thống kê

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng trong năm 2013 và 3 năm đầu của kế hoạch 2011 - 2013, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương quyết sách đúng đắn để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, đảm bảo chính sách an sinh xã hội. “Có thể nói Báo cáo của Chính phủ tôi thấy thực sự an tâm”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền khẳng định.

Tuy nhiên trong thực tiễn, ĐB đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện hơn. 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 6,8%, có 42.000 DN giải thể, phá sản, thu ngân sách khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Do vậy, “nếu nói tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn năm ngoái thì đáng nghi ngờ”.

Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, ở các góc độ khác nhau thì cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau là bình thường. Tuy nhiên, cần có đánh giá chính xác nhất để tìm thuốc chữa đúng bệnh.

Cùng ý kiến này, ĐB Hà Sỹ Đồng bày tỏ lo ngại rằng các con số thống kê vẫn đang gây hoài nghi không nhỏ và đề nghị Quốc hội thể hiện tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 về yêu cầu cải cách triệt để hệ thống thống kê, tránh tái diễn cảnh “bàn giải pháp mà không thấy thực trạng, quyết chi tiền thật dựa trên những con số có thể ảo” trong các kỳ họp sau.

ĐB QH
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Ngân hàng lớn không đồng nghĩa với "khỏe"

Đối với giải pháp được Chính phủ nêu ra, ĐB Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) bày tỏ sự đồng tình và cho rằng trong bối cảnh chính sách tiền tệ còn rất ít dư địa, lãi suất khó hạ tiếp thì việc mở rộng tài khóa gần như là lựa chọn duy nhất để góp phần phục hồi kinh tế.

ĐB cho biết dù vẫn còn khoảng cách không nhỏ với đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu, song báo cáo về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ tại kỳ họp này đã khá chi tiết và đầy đủ.

Đại biểu Quốc hội trăn trở với những khó khăn nội tại của nền kinh tế
Không nên tiếp tục kiểu cơ cấu lại nợ xấu, xử lý nợ xấu qua VAMC một cách tình thế, khiên cưỡng như hiện nay. Bởi cách làm này dễ tạo ra số nợ ảo, thực trạng ảo, cũng như làm thay đổi bản chất vấn đề nợ xấu. ĐB Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị)

Đối với lĩnh vực tái cơ cấu ngân hàng, ĐB Hà Sĩ Đồng đề nghị “không nên tiếp tục kiểu cơ cấu lại nợ xấu, xử lý nợ xấu qua VAMC một cách tình thế, khiên cưỡng như hiện nay. Bởi cách làm này dễ tạo ra số nợ ảo, thực trạng ảo, cũng như làm thay đổi bản chất vấn đề nợ xấu”.

Bởi vấn đề quan trọng hàng đầu là tái cơ cấu nhóm ngân hàng lớn có tầm ảnh hưởng rộng. “Ngân hàng lớn không đồng nghĩa với khỏe, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một ví dụ”, ĐB Hà Sĩ Đồng nhấn mạnh.

Đối với các lĩnh vực khác của tái cơ cấu nền kinh tế, ĐB đề nghị thay đổi lại cách tiếp cận, phải đi từ trên xuống dưới, từ tổng thể tới chi tiết chứ không làm ngược lại. Cần tìm ra động lực đủ mạnh để thúc đẩy được tiến trình này. Trong khi chờ đợi sự đột phá này, ĐB Hà Sĩ Đồng cho rằng cần xác định, phân biệt rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, không đồng nghĩa với vai trò chủ đạo, then chốt của DNNN.

Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, 3 tái cơ cấu quan trọng và 3 đột phá chiến lược càng chậm thì kinh tế đất nước càng chậm đi lên, bởi những điểm nghẽn chí tử của nền kinh tế vẫn còn đó. Đây là những rào cản tăng trưởng. Vì thế, cần khắc phục rào cản về tổ chức thực hiện, rào cản về nhận thức lẫn rào cản do lợi ích cục bộ, nhất là lợi ích nhóm.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, mặc dù kinh tế có phục hồi tuy chậm và vĩ mô ổn định hơn, nhưng niềm tin của thị trường chưa được phục hồi. Bên cạnh đó, dù xuất khẩu tăng nhưng khu vực kinh tế trong nước đang rất đuối, năng lực cạnh tranh kém. Một trong những giải pháp để khắc phục là bằng chính sách tín dụng. ĐB đề xuất ngân hàng tiếp tục hỗ trợ cho các DN có điều kiện làm ăn thì được vay tiếp để không chết vì thiếu vốn.

Cùng ý kiến này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị ngân hàng nên đồng hành cùng DN, giảm bớt thủ tục, khoanh, giãn nợ cho DN có điều kiện tiếp tục sản xuất, tạo việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách. ĐB cũng đề nghị giảm giá thuê đất để hỗ trợ DN trong điều kiện khó khăn hiện nay./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam