Đấu thầu nhiều, sao vẫn phải mua thuốc với giá cao?

10:05 | 31/10/2013 Print
Những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về đấu thầu sẽ là biện pháp tiết kiệm chi cho ngân sách, tránh tình trạng đấu thầu nhiều, mà ngân sách vẫn phải chi trả với giá cao.

Ảnh minh họa.

Quy định về đấu thầu thuốc, chỉ định thầu, những ưu đãi trong đấu thầu và đối tượng thực hiện luật là những nội dung của dự thảo Luật Đấu thầu được các ĐB thảo luận tại hội trường trong ngày 30/10.

Bình đẳng trong sử dụng ngân sách

Tại phiên thảo luận, đã có nhiều ý kiến khác nhau của các ĐB về quy định hạn mức vốn của Nhà nước 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng phải trên 500 tỷ đồng. Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là hợp đồng trọn gói, tức là giá thầu sẽ không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng.

Về các điều kiện thực hiện Luật Đấu thầu là các dự án phải có 30% vốn nhà nước góp hoặc từ 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư, ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, điều này tạo ra sự không bình đẳng trong việc sử dụng vốn NSNN, bởi việc chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp cao nhất 1 tỷ đồng. Trong khi đó việc sử dụng NSNN từ 500 tỷ đồng mới phải chịu sự kiểm soát của quy định về đấu thầu thì không đảm bảo tính bình đẳng giữa các chủ thể trong sử dụng vốn NSNN và không đảm bảo sự chặt chẽ trong việc quản lý việc sử dụng NSNN.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, cần bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh là dự án ODA có vốn đối ứng của Việt Nam, có thể từ 11% trở lên vào diện cần đấu thầu với lý do ODA được coi là vốn nhà nước. Hơn nữa, các dự án ODA có xu hướng đậm dần tính thương mại, tỷ lệ vốn đối ứng của Việt Nam ngày càng cao, do đó khả năng vốn ngân sách tham gia vào các dự án ODA sẽ ngày càng lớn, vượt mức 30% của dự án trên 500 tỷ đồng.

Đề nghị bỏ quy định ưu đãi thầu

Về các điều kiện ưu đãi trong đấu thầu, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị nghiên cứu thêm về quy định ưu đãi cho nhà thầu nếu cung cấp hàng hóa sản xuất trong nước từ 25% trở lên, bởi quy định này rất dễ bị các doanh nghiệp lợi dụng để lách luật bằng cách điều chỉnh chi phí hàng hóa sản xuất trong nước.

Cũng về vấn đề này, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng nên bỏ quy định về ưu đãi trong đấu thầu vì mục đích của đấu thầu là lựa chọn được nhà thầu đạt yêu cầu để thực hiện được gói thầu, không nên đưa các chính sách xã hội vào quy định trong đấu thầu làm méo mó kết quả đấu thầu tạo kẽ hở cho lách luật.

Cho rằng trong kinh doanh không thể đồng thời đáp ứng các yêu cầu nhiều, tốt, rẻ, ĐB Đỗ Văn Vẻ đề nghị cân nhắc bỏ phương pháp giá thấp nhất thay vào đó là đánh giá có biên độ dao động. Khi đó, điều kiện quan trọng nhất là thiết kế, dự toán của dự án phải được lập trung thực, khách quan.

ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về chỉ định thầu, việc điều chỉnh giá hợp đồng.“Thực tế vừa qua cho thấy nhiều công trình khi đấu thầu thì ở một giá, một mức, tổng mức đầu tư thấp nhưng trong thực tế thi công thì phát sinh ra việc điều chỉnh quy mô đầu tư dẫn đến tăng mức đầu tư gấp nhiều lần so với giá thời điểm tiến hành đấu thầu”, ĐB Khánh nói.

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị dự thảo luật sửa đổi cần quy định nhà thầu tham gia phải độc lập về tính pháp lý, độc lập về tài chính, bao hàm hết các chủ thể có liên quan đến hoạt động nhà thầu như cơ quan thẩm định, tổ chức tư vấn, cơ quan phê duyệt, nhà tài trợ…, để đảm bảo tính pháp lý, khách quan trong đấu thầu, tránh tình trạng liên thông, đạp chân nhau trong hoạt động đấu thầu gây ra nhiều tình trạng tiêu cực như hiện nay.

Quy rõ trách nhiệm giá thuốc BHYT

Về mua thuốc cho các cơ sở y tế, đây là một vấn đề rất mới và dự thảo luật có tách riêng thành một mục nhưng cũng chỉ quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc về mua thuốc mà có sử dụng từ nguồn vốn NSNN, từ nguồn bảo hiểm y tế và các nguồn thu hợp pháp của các cơ sở y tế.

ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng dự thảo quy định không mới, chưa có quy định lộ trình hay quy định số lượng, chủng loại cần phải đấu thầu để đàm phán. Để khắc phục, ĐB cho rằng nên bổ sung quy định rõ giá thuốc mua từ ngân sách sẽ do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, được áp dụng theo nguyên tắc đấu thầu tập trung, đàm phán hoặc chỉ định thầu ở cấp quốc gia hoặc trong trường hợp đặc biệt ở cấp tỉnh.

Về việc xử lý đấu thầu mua thuốc từ nguồn bảo hiểm y tế, ĐB cho rằng phải có cơ quan kiểm soát giá thuốc và chủng loại thuốc bảo hiểm y tế (BHYT). Chỉ tính riêng trong năm 2012, Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã chi 20.000 tỷ đồng tiền thuốc trong tổng sô 33.000 tỷ đồng chi trả, nhưng giá thuốc này cao hay thấp chưa được quản lý. ĐB đề nghị bổ sung thêm quy định về trách nhiệm và nâng cao quyền cho BHXH, “bởi thực tế hiện nay xảy ra tình trạng có những nơi giá thuốc cao gấp hai, gấp ba lần nơi khác, nhưng không làm thế nào được, vì tất cả đều đúng”./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam