Tăng trưởng GDP quý 4 có thể đạt 6%

16:21 | 29/10/2013 Print
Tăng trưởng kinh tế quý 3 ước đạt 5,54%, và có thể đạt đến 6% trong quý 4 do nhu cầu tích cực hơn và tác động của độ trễ chính sách trong những tháng cuối năm.

Đây là đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) đưa ra trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 10. Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý 3 ước đạt 5,54%, và có thể đạt đến 6% trong quý 4. Do vậy, tăng trưởng cả năm được dự báo có phần khả quan hơn so với mức dự báo ban đầu của UB GSTCQG là 5,3%.

FDI vẫn là trụ cột trong xuất khẩu

Một số chỉ số kinh tế vĩ mô chính có dấu hiệu khả quan hơn trong tháng qua như sản xuất, xuất khẩu (XK), lạm phát, vốn đầu tư FDI. Chỉ số chứng khoán - chỉ báo sớm của nền kinh tế cũng cho thấy dấu hiệu đã qua đáy trung dài hạn.

Một trong những yếu tố khả quan là nguồn vốn FDI đạt khá và cơ cấu vốn tích cực. Tính đến tháng 10/2013, FDI thu hút đạt trên 19 tỷ USD, tăng 65,6%, vốn FDI thực hiện đạt 9,58 tỷ USD, tăng 6,4%. Bên cạnh đó, trong 10 tháng đầu năm, XK tiếp tục tăng trưởng khá (tăng 15,2%), nhập siêu ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Khu vực FDI hiện vẫn là trụ cột trong hoạt động xuất khẩu với tỷ trọng 61,3% tổng kim ngạch XK (tăng 27,2% so với cùng kỳ). Trong khi đó, do chịu tác động mạnh của chính sách trong nước, hoạt động XNK của khu vực DN trong nước sụt giảm mạnh hơn kể từ năm 2011 so với khu vực FDI.

Tuy nhiên, giá trị gia tăng thực tế mà khu vực FDI đóng góp là không cao, chủ yếu là hoạt động gia công, các mặt hàng XK có tỷ lệ NK cao. Tỷ trọng nhóm hàng điện tử và điện thoại trên tổng kim ngạch XK tăng từ mức 5% trong năm 2010 lên 11,5% trong năm 2011, xấp xỉ 18% trong năm 2012 và 17% tính đến ngày 15/10/2013. Trong khi đó, tỷ lệ này cũng gia tăng mạnh trong tổng kim ngạch NK, từ mức xấp xỉ 7% năm 2010 và hiện tại lên đến 24,36%.

XNK
Xuất nhập khẩu tăng khá nhưng trụ cột vẫn là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa

UBGSTCQG cho rằng, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cũng như việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn trong trung hạn đang gặp nhiều thách thức. Phân tích xu thế tăng trưởng dài hạn cho thấy tăng trưởng đang trong xu thế giảm kể từ năm 2006 đến nay do hiệu quả tăng trưởng thấp, mô hình tăng trưởng không còn phù hợp.

Do đó, cần phải đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế trong vòng 2-3 năm tới nhằm nâng cao năng suất của nền kinh tế, cải thiện tốc độ tăng trưởng dài hạn.

Cuối năm, cung ngoại tệ dồi dào

Thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định, mặc dù có vài biến động ngắn hạn trong trung tuần tháng 10 do tâm lý đón đầu nhu cầu tín dụng tăng vào cuối năm mang tính chất mùa vụ. Tổng doanh số giao dịch liên ngân hàng tính đến ngày 18/10 bình quân 1 ngày là 21.228 tỷ - cao nhất kể từ đầu năm, trong đó tỷ lệ doanh số giao dịch dưới 1 tháng chiếm xấp xỉ 90% - tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 5. Trong ngày 24/10, lãi suất qua đêm đã tăng mạnh lên mức 4,71%/năm, tăng 1,7% so với đầu tháng 10.

Trong 10 tháng qua, thanh khoản hệ thống dồi dào với sự gia tăng mạnh của tiền gửi của khu vực dân cư và tổ chức kinh tế khiến cho mặt bằng lãi suất huy động, cho vay và cả liên ngân hàng giảm mạnh xuống mức thấp ngang với thời điểm năm 2006. Tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng đạt 6,82%, cao hơn so với cùng kỳ và chiếm hơn 50% kế hoạch. Để đạt được kế hoạch cả năm, tốc độ tăng bình quân các tháng cuối năm cần phải đạt mức 1,7%/tháng.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái từ đầu năm đến nay khá ổn định và chỉ có vài biến động nhỏ mang tính thời vụ và tâm lý nhất thời. Theo nhận định của UBGSTCQG, thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được sự ổn định trong những tháng cuối năm 2013 do cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào (nguồn cung FDI, ODA, kiều hối khả quan) trong khi cầu ngoại hối trên thị trường trong những tháng cuối năm vẫn chưa thực sự khởi sắc.

Đánh giá về tác động từ bên ngoài, báo cáo của UBGSTCQG cho rằng triển vọng kinh tế thế giới phục hồi sẽ tác động tích cực đến hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần đặc biệt lưu ý đến những rủi ro tài chính có thể lan truyền (rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất gia tăng, chi phí vay vốn quốc tế tăng cao) do ảnh hưởng từ việc thay đổi chính sách tiền tệ của các nước trên thế giới./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam