Chính phủ đề xuất nâng trần bội chi lên 5,3%

20:31 | 29/09/2013 Print
Chính phủ sẽ đề xuất với Quốc hội nâng mức trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP để đáp ứng nhu cầu đầu tư lớn hiện nay, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm tới.

Vu Duc Dam

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo ngày 29/9. Ảnh: Hoàng Yến

Ngày 29/9, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 9/2013, thông báo về các nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2013 diễn ra cùng ngày.

Lạm phát thấp nhất 4 năm qua

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông báo về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm và phương hướng cho những tháng cuối năm.

Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát 9 tháng tăng 4,63%, mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Lãi suất cũng phù hợp với lạm phát. Hiện trần lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 9 – 11,5%, trung và dài hạn là 11,5% - 13%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng vào khoảng 6,05% so với tháng 12/2012.

Xuất khẩu 9 tháng tăng 15,7%, đạt 96,5 tỷ USD. Khu vực DN FDI tăng 27% và chiếm 60,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu 9 tháng là 124 triệu USD, tương đương 0,1% kim ngạch xuất khẩu.

Vốn FDI đăng ký tăng 36,1%, đạt 15 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 8,62 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Giải ngân bằng 69,5% kế hoạch năm 2013.

Tăng trưởng GDP quý 3 là 5,54%, 9 tháng ước đạt 5,14%. Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến có tốc độ tăng giảm dần, tính đến 1/9/2013 ước tăng 9,3% so với cùng kỳ.

Nâng mức trần bội chi

Tại phiên họp, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định thông tin Chính phủ sẽ trình Quốc hội nâng mức trần bội chi từ 4,8% năm nay lên 5,3% GDP trong năm sau. Lý do là bởi nhu cầu đầu tư trong xã hội hiện nay rất lớn. Trong khi đó, nhiều công trình trước đây đang thực hiện đã dừng lại do chính sách siết chặt đầu tư công. Cùng với đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chúng ta đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giãn, giảm thuế, vì thế mức thu ngân sách chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, hiện cứ 100 đồng ngân sách thu được thì chi cho lương 15%, đầu tư 20%, trong khi mức đầu tư những năm trước đây là 30 – 40%. Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương kêu gọi các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư để giảm bớt gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhưng trên thực tế, việc thực hiện rất khó. Chẳng hạn đầu tư đường giao thông, phải thu phí cao mới có hiệu quả, nhưng thu phí cao người dân không chịu được, hay đầu tư trường học, bệnh viện… thì mới chỉ có thể thực hiện ở một vài thành phố lớn và số lượng cũng chưa nhiều. Vì vậy, để phát triển được thì vẫn phải duy trì mức đầu tư nhất định từ NSNN.

"Bội chi 1% GDP tương đương 40.000 tỷ đồng. Năm nay, với mức bội chi 4,8%, tổng vốn đầu tư XDCB sẽ là 230.000 tỷ đồng, gồm cả 45.000 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ và một số khoản khác. Sang năm 2014, để kinh tế tăng trưởng khoảng 5,5%, thì mức đầu tư tối thiểu là 255.000 tỷ đồng, và đó là lý do Chính phủ buộc phải đề nghị tăng mức bội chi và để dành toàn bộ phần bội chi này cho đầu tư", Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về áp lực đối với nợ công khi tăng trần bội chi, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng về các khả năng với sự tham mưu của các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu khi đưa ra đề xuất này. Việc nâng mức bội chi lên 5,3% đã được tính toán đầy đủ để đảm bảo mức trần nợ công./.

Liên quan đến vấn đề quản lý thị trường sữa cho trẻ em, Bộ trưởng cho biết ngay trong ngày hôm nay (29/9), VPCP đã có thông báo về ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trước 5/10 phải ban hành danh mục sữa và sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá. Và dựa trên danh mục đó, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra chặt chẽ để ngăn chặn việc “làm giá” sản phẩm thiết yếu đối với trẻ em này.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam