UNDP quan ngại về việc ghi nhãn và tiếp thị sản phẩm sữa tại Việt Nam

09:32 | 28/09/2013 Print
(TBTCO)- Đây là tinh thần nội dung thông cáo được Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố vào 17h45 chiều ngày 27/9/2013 tại Hà Nội, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng và cơ quan quản lý. Khuyến nghị của UNDP mở ra một con đường, có thể giải quyết bế tắc xung quanh mặt hàng có Tên "là sữa", gây nhức nhối lâu nay.

sua loan gia

Việc ghi nhãn không đúng ảnh hưởng đến việc thực thi Luật Quảng cáo, trong đó quy định cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2013. Ảnh: TL

>> Dư luận bức xúc vì sữa cho trẻ em loạn giá: Vì đâu nên nỗi?

>> Bài 2: Luật Giá chỉ điều chỉnh bảo vệ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi

>> Bài 3: Chống loạn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi: Cần gọi tên của chính nó

Từ nhầm lẫn… đến ẩn họa khôn lường

Theo UDDP, 3 tổ chức quốc tế, gồm: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và tổ chức nuôi dưỡng và phát triển (Alive & Thrive) bày tỏ quan ngại đến việc ghi nhãn và tiếp thị các sản phẩm sữa công thức cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang được bán ở Việt Nam.

Hiện tại, giá của các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ là một vấn đề gây tranh cãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam.

Vấn đề không chỉ đơn thuần là các sản phẩm này được bán với giá quá cao, mà sức khỏe của trẻ em Việt Nam còn có khả năng bị đe dọa.

“Việc đổi tên không đúng các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ thành “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng”, khiến những sản phẩm này nằm ngoài sự kiểm soát của Bộ Tài chính. Đồng thời, việc ghi nhãn không đúng ảnh hưởng đến việc thực thi Luật Quảng cáo, trong đó quy định cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2013”- các tổ chức quốc tế đồng quan ngại.

Hơn nữa, sử dụng thuật ngữ “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng” để gọi sữa công thức cũng đang gây hiểu lầm cho khách hàng và bỏ qua những khuyến cáo rõ ràng về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được đưa ra dựa trên các bằng chứng toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF khẳng định trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để đạt được sự tăng trưởng, phát triển và sức khỏe tối ưu.

Từ 6 tháng trở đi, sữa mẹ vẫn là thức ăn thích hợp nhất của quá trình tiến tới một khẩu phần ăn ngày càng đa dạng cho đại đa số trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi, khi bắt đầu được cho ăn bổ sung.

“Việc đổi tên không đúng các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ thành “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng”, khiến những sản phẩm này nằm ngoài sự kiểm soát của Bộ Tài chính. Đồng thời, việc ghi nhãn không đúng ảnh hưởng đến việc thực thi Luật Quảng cáo, trong đó quy định cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2013”.

Chung tay vì lợi ích tương lai bà mẹ trẻ-em

WHO cảnh báo, sữa công thức follow-up là không cần thiết và thậm chí không phù hợp khi được sử dụng để thay thế sữa mẹ.

Sữa công thức hiện tại dẫn đến lượng tiêu thụ protein cao hơn và tiêu thụ axit béo thiết yếu, sắt, kẽm và các loại vitamin B thấp hơn so với những khuyến cáo của WHO thích hợp cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ở Việt Nam việc gọi tên không đúng các sản phẩm sữa công thức là “thực phẩm bổ sung” đã gây ra sự hiểu lầm lớn.

Cần phân biệt sự khác nhau giữa 2 khái niệm “ăn bổ sung” và “thức ăn bổ sung”. “ăn bổ sung” là giai đoạn khi mà một mình sữa mẹ không còn đủ đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ nhỏ và trẻ cần được bổ sung các thức ăn đặc và lỏng khác cùng với sữa mẹ.

Hiểu một cách đơn giản, một sản phẩm dùng để nuôi trẻ trong giai đoạn ăn bổ sung từ 6 tháng đến 24 tháng không có nghĩa sản phẩm đó là thức ăn bổ sung. Cụ thể trong trường hợp này là sữa công thức (follow up).

“Để đảm bảo an toàn cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ em Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ Tài chính nên xếp sữa công thức đúng vào hạng mục sữa. Điều này không chỉ đảm bảo giá các sản phẩm được quản lý chặt chẽ mà còn tuân thủ các quy định về quảng cáo trong Luật Quốc tế về tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ”-WHO, UNICEF và Alive & Thrive khuyến nghị mạnh mẽ.

“Chúng tôi sát cánh cùng nhau ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em, bà mẹ…”-các tổ chức quốc tế bày tỏ cam kết.

Hải Anh

Hải Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam