Dư luận bức xúc vì sữa cho trẻ em loạn giá: Vì đâu nên nỗi?

16:42 | 26/09/2013 Print
Bùng phát hiện tượng sữa tăng giá không theo qui luật của thị trường làm cho dư luận bức xúc, người tiêu dùng kêu la vì giá sữa "quá chát"! Để chia sẻ với độc giả về những băn khoăn, nghi hoặc mà dư luận đặt ra thời gian qua, Thời báo Tài chính Việt Nam đã tìm hiểu và đăng tải loạt bài viết xung quanh vấn đề này.

Bài 1: Khi sữa không được gọi tên là sữa!

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột Bộ Y tế đã ban hành ngày 1/11/2011, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi phải có độ đạm trên 34% thì mới được gọi là sữa, còn nếu sản phẩm sữa có hàm lượng đạm dưới 34% thì phải đổi tên thành “thực phẩm dinh dưỡng”, “thực phẩm bổ sung”, “thức ăn công thức”... Với những tên gọi mới này, các sản phẩm thực chất là sữa đã thoát ra khỏi danh mục mặt hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.

Đẻ ra nhiều tên gọi vì quy chuẩn

Dư luận bức xúc vì sữa cho trẻ em loạn giá: Vì đâu nên nỗi?
Vì quy định sữa phải có hàm lượng đạm từ 34% trở lên mới được gọi là sữa, nên đã vô tình tạo điều kiện cho các DN tăng giá vô tội vạ. PGS-TS Ngô Trí Long. Ảnh: MN

Trên thị trường sữa hiện nay, các hãng không ghi “sữa” trên bao bì, mà ghi là “thực phẩm dinh dưỡng”. Tại siêu thị BigC Thăng Long, cả nghìn hộp sữa trên kệ hàng thì chỉ một số hộp có ghi chữ “sữa” hay “milk”, còn lại hầu hết ghi là "thực phẩm bổ sung", "chất dinh dưỡng"…

Giải thích về việc loạn tên sữa và việc các hãng thay vì ghi tên “sữa” lại ghi là "chất dinh dưỡng", ông Vũ Vinh Phú cho biết, đây là có thể là "chiêu bài" của các hãng sữa đang thực hiện nhằm lách luật. “Theo quy định của Luật Giá thì các loại sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc đối tượng bình ổn giá. Do đó khi tăng giá thì phải báo cáo với cơ quan chức năng. Để lách quy định này, các hãng sữa đã chuyển tên gọi, thành chất dinh dưỡng” - ông Phú cho biết.

Theo báo cáo của 17/18 doanh nghiệp gửi về Bộ Tài chính báo cáo về tên gọi các mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, thì không có sản phẩm nào có tên là sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Mà lúc này đã chính thức sử dụng tên gọi là: “sản phẩm dinh dưỡng”, “thực phẩm dinh dưỡng”, “thức ăn công thức”…

Đổi tên gọi để né quản lý giá

Văn bản của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 13/9/2013 về tình hình quản lý giá mặt hàng sữa, nêu rõ: Từ 1/1/2013 đến trước 1/4/2013, các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã gửi thông báo giá bán sản phẩm đến Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong đó có kê khai giá của cả những sản phẩm là “thức ăn công thức”, “thực phẩm bổ sung”, “vi chất dinh dưỡng”…

Thế nhưng, từ 1/4/2013 đến nay đã không có đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa nào gửi thông báo, kê khai, đăng ký điều chỉnh mức giá bán đến Cục Quản lý giá, vì những đơn vị đó đã thay đổi tên gọi sản phẩm sữa theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột của Bộ Y tế.

Như vậy, vô hình chung các sản phẩm trước đây vẫn được gọi là sữa và giờ đây thực chất vẫn là sữa, bỗng chốc thoát khỏi “vòng kim cô”, nằm ngoài đối tượng điều chỉnh của Luật Giá. Thế nên các doanh nghiệp đã tăng giá sữa mà không cần phải kê khai, báo cáo với cơ quan quản lý giá.

Do giá sữa tăng, quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại. Trong khi đó, theo quy luật của thị trường, giá cả có thể tăng giảm phụ thuộc vào cung – cầu. Khi cầu lớn hơn cung thì giá tăng, ngược lại thì giá giảm. Nhưng dường như điều này lại không xảy ra với thị trường sữa hiện nay. Đây là một nghịch lý.

Nhiều hệ lụy từ việc đổi tên sữa. Ảnh: MN.

“Đã là thị trường thì phải có lúc tăng, lúc giảm. Nhưng tôi thấy giá sữa chỉ có tăng mà không có giảm. Điều này chứng tỏ thị trường sữa đang có vấn đề. Đó là chưa nói đến chất lượng sữa hiện nay thật sự khiến người tiêu dùng chúng tôi lo ngại…”, chị Hoàng Diệu Thúy đến từ Long Biên chia sẻ.

Theo PGS -TS Ngô Trí Long (Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả), sữa là một trong 14 mặt hàng được nhà nước bình ổn giá, nhưng thực chất giá sữa luôn bất ổn định nhất. Vì quy định sữa phải có hàm lượng đạm từ 34% trở lên mới được gọi là sữa, đã vô tình tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng giá vô tội vạ.

Theo khảo sát của Thời báo Tài chính Việt Nam và căn cứ vào tờ khai hải quan của các doanh nghiệp nhập khẩu sữa do Tổng cục Hải quan cung cấp, mặc dù thuế nhập khẩu chỉ có mức từ 5 - 10%, nhưng giá “sữa” bán trên thị trường Hà Nội hiện nay đang bán cao gấp gấp đôi, gấp ba lần so với giá nhập khẩu (bảng dưới)./.

Bảng giá một số loại sữa đang bán trên thị trường

Tên gọi

Giá gốc

Giá bán

Chênh lệch

Sản phẩm dinh dưỡng EnfaGow A+3 PWD VAN 1,8kg

380.600đ/hộp

812.000

431.400

Enfa Grow A+3 PWD VAN 900g

210.000

485.000

275.000

Similac Mon (400g)

149.000

277.000

128.000

Similac GainPlus IQ (900g)

348.000

482.000

134.000

Similac Gain IQ (900g)

379.000

530.000

151.000

Sản phẩm dinh dưỡng Enfamil A+1 (400g)

156.000

250.000

94.000

Sản phẩm dinh dưỡng Enfamil A+2 (400g)

121.000

240.000

119.000

Sản phẩm dinh dưỡng Enfamil A+2 (900g)

249.000

494.000

245.000

Dumex Mama Gold (800g)

182.000

322.000

140.000

Dumex Mama Gold (400g)

96.000

189

93.000

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Loạn giá kể từ khi sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi trước đây không còn gọi tên là sữa. Trách nhiệm thuộc về ai và nguyên nhân do đâu? là những câu hỏi sẽ được chia sẻ trong bài tiếp theo: "Luật Giá chỉ điều chỉnh bảo vệ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi"

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam