Tuyên bố chung Việt-Pháp: 5 điểm nhấn về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư

23:54 | 25/09/2013 Print
Tuyên bố chung về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của Quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam – Pháp nêu rõ: Hai nước cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường, đầu tư và kinh doanh.

TuyenbochungVietphap

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Cộng hòa Pháp, Jean-Marc Ayrault ký Tuyên bố chung. Ảnh: chinhphu.vn

>> Việt – Pháp: Cùng nhau hợp tác với những tư duy mới

Ngày 25/9 tại Thủ đô Paris (Pháp), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jean - Marc Ayrault đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp.

Theo đó, hai bên nhất trí ra Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược với những định hướng và mục tiêu về các mặt: Hợp tác chính trị - ngoại giao; Hợp tác quốc phòng và an ninh; Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; Hợp tác phát triển; Hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học, luật pháp và tư pháp.

Về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Tuyên bố chung nêu rõ:

Thứ nhất: Pháp và Việt Nam ưu tiên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai nước cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường, đầu tư và kinh doanh. Trên tinh thần đó, Đối thoại cấp cao về hợp tác kinh tế, được mở ra ngày 9/4/2013 tại Hà Nội, là cơ chế nhằm đưa ra những khuyến nghị cho hai bên.

Thứ hai: Những mục tiêu hợp tác về công nghiệp và công nghệ thuộc các lĩnh vực chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam, nhất là năng lượng, công nghiệp hàng không và vũ trụ, giao thông, môi trường và phát triển bền vững, ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, trong đó ưu tiên các dự án công nghệ cao, đặc biệt là các dự án hỗ trợ sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ ba: Pháp và Việt Nam chia sẻ quan điểm với tinh thần trách nhiệm về phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình. Pháp chủ trương hỗ trợ chương trình điện hạt nhân của Việt Nam và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm chuyên môn về công nghệ, an ninh và an toàn hạt nhân, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân và tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án. Việt Nam ghi nhận sự quan tâm của Pháp đối với chương trình phát triển năng lượng điện hạt nhân của Việt Nam, xuất phát từ mong muốn trang bị công nghệ cho phép đảm bảo an ninh và an toàn hạt nhân cao nhất cho đất nước.

Thứ tư: Pháp và Việt Nam ủng hộ việc ký kết Hiệp định thương mại tự do toàn diện, cân bằng và tham vọng giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam nhằm cải thiện các điều kiện tiếp cận thị trường nội địa trên cơ sở tôn trọng các qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Thứ năm: Hai nước sẽ tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau tại các định chế kinh tế, tài chính quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế và các tổ chức khu vực.

Bản Tuyên bố chung được ký kết giữa Thủ tướng hai nước Việt – Pháp được dựa trên cơ sở tôn trọng mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, với mong muốn tăng cường hợp tác vì hòa bình, an ninh, vì một tương lai chung, với niềm tin vào sự phát triển không ngừng của nền kinh tế và xã hội hai nước.

Được biết, Pháp hiện đứng thứ 2 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 15 trong tổng số 92 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 375 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,1 tỷ USD (tính đến 31/12/2012).

Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Thông tin và truyền thông (22,9% tổng vốn đầu tư), dịch vụ (17,7%), lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, nước, điều hòa (17%), công nghiệp (12%) và còn lại là nông nghiệp, phân phối hàng hóa, giải trí, xây dựng và tài chính ngân hàng; phân bổ tại 32 địa phương, dẫn đầu là Bà Rịa-Vùng Tàu (8 dự án trị giá 1 tỷ USD), Thành phố Hồ Chí Minh (110 dự án trị giá 852,7 triệu USD), Hà Nội (71 dự án trị giá 331 triệu USD).

Một số dự án lớn Pháp đang triển khai tại Việt Nam là: Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông và FCR Vietnam (chi nhánh của France Telecom tại Việt Nam), cấp phép năm 1997, đầu tư 615 triệu USD vào lĩnh vực dịch vụ viễn thông; dự án Công ty cổ phần Cảng Cái Mép, cấp phép năm 2008, do Terminal Link của Pháp đầu tư 520 triệu USD vào hoạt động dịch vụ khai thác cảng; dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 2, cấp phép năm 2001, do Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) liên kết với Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư là 480 triệu USD./.

M.A (tổng hợp)

M.A (tổng hợp)

© Thời báo Tài chính Việt Nam