Việt – Pháp: Cùng nhau hợp tác với những tư duy mới

07:50 | 25/09/2013 Print
Ngày 24/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp (từ 24-26/9) theo lời mời của Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault.

Thu tuong nguyen tan dung tham phap

Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Thủ đô Paris. Ảnh: chinhphu.vn

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, chiều 24/9 (giờ địa phương, 21h30 giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, một trong 10 viện nghiên cứu quan hệ quốc tế lớn nhất Châu Âu và là một trong 50 viện nghiên cứu lớn nhất thế giới.

40 năm quan hệ bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau

Trong bài phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc tới những nỗ lực vun đắp từ cả hai phía, trên nền tảng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau đã làm cho quan hệ Việt Nam và Pháp đạt những thành quả quan trọng đầy ý nghĩa trong 40 năm qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Pháp là một quốc gia châu Âu đầu tiên, ngay từ những năm đầu thập kỷ 1990, đã tích cực ủng hộ công cuộc Đổi mới cũng như quá trình phát triển và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. Việt Nam luôn nhất quán coi trọng và ưu tiên quan hệ đối tác với Pháp trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình”.

Sự nồng ấm trong quan hệ đã thể hiện sâu rộng qua nhiều chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao và các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên của các cơ quan, địa phương, tổ chức xã hội. Cho tới nay, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận quan trọng, thiết lập và duy trì thường xuyên, hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giao lưu nhân dân… Qua đó, Việt Nam và Pháp đã từng bước trở thành đối tác quan trọng cùng có lợi của nhau trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ. Việt Nam và Pháp cũng đã phối hợp tích cực cùng nhau trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương khu vực, liên khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Có thể khẳng định rằng mối quan hệ Việt - Pháp ngày nay đã trở thành một biểu tượng của tinh thần dũng cảm khép lại và vượt qua những “chòng chành”, những trang sử đau buồn của quá khứ để xây dựng lòng tin vào nhau - lòng tin chiến lược - cùng hướng tới hòa giải, hòa bình, hữu nghị và phát triển. Đồng thời đây cũng là hình mẫu cho sự hợp tác Đông - Tây, giữa Pháp, một quốc gia công nghiệp hàng đầu ở châu Âu và Việt Nam, một nước đang phát triển năng động ở Đông Nam Á”.

Xây dựng lòng tin chiến lược

Pháp hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Đức và Anh). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2012 đạt 3,2 tỷ USD (tăng 15% so với năm 2011). Về đầu tư, Pháp đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988. Tính đến 31/12/2012, Pháp đứng thứ 2 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 15 trong tổng số 92 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 375 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,1 tỷ USD.

Hiện có 3 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Pháp: Vietnam Airlines đầu tư 20 triệu euro vào dịch vụ bán vé máy vay và marketing; FPT Corporation đầu tư 11 triệu euro kinh doanh phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin; CMC softwares solutions đầu tư 100.000 euro vào lĩnh vực phần mềm và dịch vụ tin học.

thu tuong nguyen tan dung tham phap
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Pháp chào đón Thủ tướng. Ảnh: chinhphu.vn

Trên nền tảng quan hệ Việt – Pháp đã xây dựng và đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược hôm nay thể hiện sự chín muồi của mối quan hệ đa lĩnh vực và trên nhiều cấp độ giữa hai nước chúng ta. Quan hệ đối tác chiến lược sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác mới của mối quan hệ chân thành, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ cho tới an ninh quốc phòng và cùng chia sẻ lợi ích vì hòa bình, phồn vinh của nhân dân hai nước.

“Trách nhiệm của chúng ta là phải cùng nhau hợp tác với những tư duy mới, cách làm sáng tạo để tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ song phương đặc biệt, thân tình này đi vào chiều sâu, hiệu quả và phát triển mạnh mẽ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. Trước mắt chúng ta cần dành sự quan tâm, nỗ lực hợp tác trên các nhóm lĩnh vực trọng tâm: hợp tác chính trị - ngoại giao; quốc phòng và an ninh; kinh tế, hợp tác phát triển; văn hóa, giáo dục đào tạo; nghiên cứu khoa học và tư pháp, bao gồm cả hợp tác song phương và đa phương trên các diễn đàn quốc tế, khu vực, toàn cầu.

Chia sẻ suy nghĩ về mối quan hệ đối tác chiến lược Việt – Pháp đặt trong tổng thể các quan hệ hợp tác của hai khu vực châu Á và châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Hiện nay hợp tác chung giữa hai châu lục đang kết nối thông qua Diễn đàn hợp tác Á - Âu ASEM, Đối thoại ASEAN - EU... Trong bối cảnh đó, quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp cần phải làm gì để có thể trở thành một cây cầu nối mới cho phát triển hợp tác Á - Âu.

Ở đầu cầu phía Đông, là khu vực châu Á nơi tập trung 2 nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới và nhiều nền kinh tế quan trọng khác, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đang dần trở thành một Cộng đồng kinh tế năng động với trên 600 triệu dân và một lực lượng lao động trẻ, GDP khoảng 2,2 nghìn tỷ USD.

Ở đầu cầu phía Tây, đó là Liên minh châu Âu, một nền văn minh lâu đời, một nền kinh tế hùng mạnh và là một nhà xuất khẩu lớn nhất của thế giới. Mong rằng cây cầu nối Việt – Pháp sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác của hai khối kinh tế đông, tây khổng lồ này nhằm tạo nên xung lực cho sự phát triển toàn cầu và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt – Pháp.

Pháp là nước Châu Âu đầu tiên tham gia ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC) của ASEAN (2007) và đang hành động mạnh mẽ trong quan hệ với nhiều nước ASEAN, mà việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam là một ví dụ cụ thể.

Từ năm 1995, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã có những phát triển nhanh chóng, trong đó quan hệ hợp tác Việt – Pháp là một động lực quan trọng. Với sự hỗ trợ tích cực của Pháp, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và hiện nay đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, điều này sẽ mở ra không gian hợp tác mới, rộng lớn cho hợp tác Việt – Pháp. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với quy mô và độ mở thị trường rất lớn, đây sẽ là cơ hội để sản phẩm của các doanh nghiệp Việt – Pháp có thể tiếp cận thị trường rộng lớn của 12 nước Châu Á Thái Bình dương (bao gồm cả Hoa Kỳ, Nhật Bản).

Có thể thấy rằng quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp cần phát triển hài hòa với các cặp quan hệ Pháp - ASEAN, Việt Nam - EU để có thể cùng nhân lên sức mạnh và hiệu quả.

Bên cạnh xu thế phát triển tích cực của quan hệ hợp tác Á - Âu, chúng ta cũng cảm nhận được “sức nóng” của sự cạnh tranh về lợi ích chiến lược, nhất là giữa các nước lớn, sự cọ xát bởi những khác biệt về giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn… cần được cân bằng thỏa đáng. Hợp tác, cùng tùy thuộc vào nhau phải lấn át, thay thế chủ nghĩa dân tộc vị kỷ. Trong quá trình khó khăn đầy thách thức này, rất cần phải xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia đối tác.

“Phải chăng mối quan hệ đối tác chiến lược Việt – Pháp trên nền tảng của sự tin cậy, của những giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn sâu sắc riêng có, cần phải được phát huy, tạo hiệu ứng lan tỏa để góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trên 2 châu lục Á, Âu. Qua đó, hai nước chúng ta cùng góp phần ngăn ngừa sự can dự mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng; ngăn chặn những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế mang tính chất áp đặt và chính trị cường quyền. Tất cả vì hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển và thịnh vượng trên thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Kết thúc bài phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: Hôm nay chúng ta vui mừng về việc hai quốc gia xác lập quan hệ đối tác chiến lược, nhưng đó mới chỉ là bước đầu, trước mắt chúng ta có nhiều cơ hội tươi sáng và cả những thách thức, khó khăn. Tôi rất mong được sự chia sẻ, đóng góp của các quý vị, các bạn để cùng nhau tìm ra những giải pháp phù hợp, cách làm hay, sáng tạo nhằm làm cho quan hệ đối tác chiến lược Việt – Pháp ngày càng phát triển vì sự thịnh vượng, vì lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước và vì quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia trên thế giới./.

M.A (tổng hợp)

M.A (tổng hợp)

© Thời báo Tài chính Việt Nam