Việt Nam sẽ đổi mới chính sách phù hợp với TPP.

10:55 | 20/09/2013 Print
Trong chuyến thăm và làm việc với Bộ Tài chính mới đây, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính New Zealand Bill English đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của mình về sự tham gia vào TPP của Việt Nam với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. TBTCVN xin trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi giữa lãnh đạo Bộ Tài chính hai nước cùng bạn đọc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng trao đổi với Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính New Zealand, bill English

Phó thủ tướng Bill English: Thưa ông, việc đàm phán Hiiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) liệu có thể có tiến bộ rõ nét trong năm nay?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi nghĩ rằng các bên đều có sự quyết tâm và chia sẻ lẫn nhau, ở một chừng mực nhất định thì việc đàm phán TPP sẽ có sự tiến bộ rõ rệt vào cuối năm nay.

Với việc tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam mong muốn tiến trình này sẽ mang lại lợi ích cho các thành viên và kinh tế toàn cầu.

Phó thủ tướng Bill English: Trong vấn đề này, đâu là vấn đề hóc búa nhất mà Việt Nam cần giải quyết?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Như ngài đã biết, Việt Nam là nước vừa đạt ngưỡng thu nhập trung bình, nhưng trong thực tế mức phân bổ không đều về thu nhập giữa các khu vực, vùng, địa phương. Thực tế, có những địa phương, có từ 40% - 60% dân số nghèo. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, mặc dù kinh tế của Việt Nam còn khó khăn, nhưng sự quyết tâm đầu tư xóa đói giảm nghèo của chính phủ Việt Nam rất cao.

Môt điều quan trọng nữa là, Việt Nam mới tham gia vào hội nhập kinh tế quốc tế, bắt đầu thực hiện cơ chế thị trường, bắt đầu thực hiện cơ chế thị trường, do vậy, phải có thời gian nhất định nữa để cải cách về thể chế (dự kiến khoảng 3 đến 5 năm), qua đó khi Việt Nam tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế như TPP mới thực sự thúc đẩy lực lượng sản xuất trong nước và doanh nghiệp phát triển để phục vụ cho phát triển kinh tế cũng như thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư.

Thứ ba, khi tham gia vào TPP, một số chính sách của Việt Nam cần phải bỏ ngay, nhưng lại cần có thời gian để điều chỉnh chính sách khác để làm sao không ảnh hưởng ngay tới ngân sách của Việt Nam. Chẳng hạn như điều chỉnh về chính sách thu thuế xuất nhập khẩu, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài và cũng là điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài trong TPP được hưởng lợi tại thị trường Việt Nam.

Nói tóm lại, có rất nhiều vấn đề cần quan tâm nhưng Chính phủ Việt Nam quyết tâm tham gia có hiệu quả và đạt được các cam kết của TPP.

Phó thủ tướng Bill English: Vậy theo ngài, những thay đổi, đột phá của Việt Nam được tiến hành với tốc độ như thế nào?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Về cơ bản, thì Việt Nam sẽ thực hiện được ngay, nhưng để kinh tế Việt Nam được hưởng lợi khi tham gia vào TPP thì còn có một số công việc rất nhỏ cần có lộ trình để thay đổi.

Chính vì vậy, tôi mong ngài Phó Thủ tướng ủng hộ cho phương án đàm phán của Việt Nam để làm sao cho tất cả những nước tham gia TPP đều được hưởng lợi.

Phó thủ tướng Bill English: Ngoài tiến trình đàm phán TPP, thì Chính phủ Việt Nam còn có những hỗ trợ nào khác cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước đều bình đẳng như nhau. Việt Nam tập trung mạnh vào cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cả về chính sách cũng như môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng có những ưu đãi đặc biệt cho nhà đầu tư khi đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn.

Đức Minh (ghi)

Đức Minh (ghi)

© Thời báo Tài chính Việt Nam