Đề xuất tăng lương tối thiểu: Chỉ mang tính chất danh nghĩa?

17:29 | 19/09/2013 Print
Với mức đề xuất lương tối thiểu vùng năm 2014 chỉ tăng từ 15 - 17% đã không ít hoài nghi được đặt ra rằng: Phải chăng Hội đồng Tiền lương Quốc gia mới chỉ “nghĩ” cho DN mà không “lo” cho người lao động đang trầy trật sống vì lương tối thiểu?

Dự kiến cuối tháng 9, Bộ LĐTBXH sẽ trình phương án được chọn chính thức lên Thủ tướng Chính phủ.

Lương tối thiểu tăng từ 15-17%

Sau nhiều phiên họp và bỏ phiếu kín Hội đồng tiền lương Quốc gia với 9/15 phiếu Hội đồng đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000 - 400.000 đồng (tương ứng 15-17%), bằng một nửa so với phương án điều chỉnh mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất.

Cụ thể, đối với DN hoạt động tại vùng 1 tăng từ 2,35 triệu đồng/tháng lên 2,75 triệu đồng/tháng, vùng II từ 2,1 triệu đồng lên 2,45 triệu đồng/tháng, vùng III từ 1,8 triệu đồng lên 2,1 triệu đồng/tháng và vùng IV từ 1,65 triệu đồng lên 1,9 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tối thiểu năm 2014 được điều chỉnh với mức tăng tương đương như mức tăng của năm 2013 so với năm 2012 (từ 16-18% tùy theo vùng).

Trước khi có sự thống nhất của Hội đồng tiền lương Quốc gia, để có thể đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành khảo sát mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) năm 2013 tại 68 DN.

Kết quả cho thấy, tiền lương bình quân của người lao động nhận được còn thấp. Người lao động có mức lương dưới 4 triệu đồng/tháng chiếm 62%, trong đó có 5,2% lao động có mức lương dưới 2 triệu đồng.

Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đề xuất hai phương án tăng mức lương tối thiểu năm 2014.

Phương án một, mức lương tối thiểu năm 2014 sẽ được điều chỉnh tăng thêm so với năm 2013 từ 400.00 - 850.000 đồng (khoảng 24-36%) và đáp ứng 77-84% so với nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động.

Lương tối thiểu vùng I tăng từ 2,35 đồng lên 3,2 triệu đồng, vùng II tăng từ 2,1 triệu đồng lên 2,75 triệu đồng, vùng III từ 1,8 triệu đồng tăng lên 2,4 triệu đồng, vùng IV tăng từ 1,650 triệu đồng lên 2,05 triệu đồng.

Phương án hai, mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu tăng ít hơn, từ 350.000-750.000 đồng (21-32%), đáp ứng khoảng 75-82 nhu cầu sống tối thiểu. Mức lương tối thiểu vùng I tăng lên 3,1 triệu đồng, vùng II tăng lên 2,65 triệu đồng, vùng III tăng lên 2,3 triệu đồng, vùng IV tăng lên 2 triệu đồng.

Tuy nhiên, đề xuất tăng tiền lương tối thiểu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã vấp phải sự phản đối của Liên minh các HTX và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) với lý do đang khủng hoảng và suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp không chịu được.

Chỉ mang tính chất danh nghĩa?

Trước những ý kiến trái chiều này, Bộ LĐTBXH đã đề xuất phương án mà Hội đồng bỏ phiếu đã thống nhất. Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân khẳng định, mức đề xuất trên dựa trên sự hài hòa giữa quyền lợi của DN và NLĐ.

Là cơ quan đại diện cho NLĐ, Tổng Liên Lao động Việt Nam cho rằng, phải tăng như vậy mới đảm bảo lộ trình tăng lương mà Chính phủ đã thông qua là đến năm 2015, lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

Cũng theo lý giải của Tổng Liên đoàn thì dù mức tăng lương tối thiểu cao nhất cho vùng I lên 3,2 triệu đồng/tháng cũng vẫn chỉ mang tính chất danh nghĩa, bởi hiện mức lương bình quân mà các doanh nghiệp trả cho người lao động đã cao hơn 3,2 triệu đồng/tháng từ lâu.

“Lương tối thiểu tăng cũng chỉ lấy đó làm tham chiếu để đóng các loại bảo hiểm cho người lao động, còn lương thực lĩnh của họ vẫn vậy. Chính trong các cuộc họp, đại diện Tập đoàn Dệt may cũng đã khẳng định, từ lâu, lương trung bình mà các doanh nghiệp của họ trả cho người lao động đều ở mức từ 4 triệu đến hơn 5 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, chi phí tăng phát sinh đối với doanh nghiệp chỉ là phần trăm đóng bảo hiểm trên số lương tối thiểu tăng thêm, sẽ không quá sức như họ kêu ca”, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Là một trong số thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia phản đối kịch liệt nhất phương án tăng lương tối thiểu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhưng khi được hỏi mặc dù lương tối thiểu vùng chỉ tăng từ 15-17% thì DN có tăng giá các mặt hàng không thì đại diện VCCI từ chối trả lời câu hỏi này.

Trên thực tế, trước đó vào tháng 8 khi Hội đồng Tiền lương quốc gia công bố họp bàn về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2014, cộng đồng doanh nghiệp đã bày tỏ, việc tăng lương vào thời điểm này không khác gì "đòn chí tử" giáng xuống những doanh nghiệp ngoắc ngoải.

Lý do đưa ra là tiền lương đang chiếm khoảng 10% chi phí sản xuất, nếu tăng thêm 17%, thì tổng chi sẽ đội lên rất cao. Đó là chưa kể giá điện, xăng, tới đây là giá nước liên tục tăng, càng khiến doanh nghiệp gặp khó trong cân đối thu - chi bởi tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Trước ý kiến trái chiều giữa các thành viên trong việc thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, hiện Bộ LĐTBXH đang tích cực lấy ý kiến các bên và kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Tiền lương là một cơ sở để tham khảo.

Dự kiến cuối tháng 9, Bộ sẽ trình phương án được chọn chính thức lên Thủ tướng Chính phủ. Nếu được thông qua, mức lương tối thiểu mới này sẽ được áp dụng từ 1/1/2014./.

Chi Linh

Chi Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam