Tăng cường phối hợp giữa Bộ Tài chính với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ

07:07 | 10/09/2013 Print
Đây là kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại buổi làm việc giữa Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ về nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Bộ Tài chính diễn ra chiều ngày 9/9, tại trụ sở Bộ Tài chính.

btc

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Luyện Vũ)

Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ đánh giá cao sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính về buổi làm việc và cho rằng đây là bộ đầu tiên có cuộc họp liên quan tới các ngành trong xây dựng thể chế.

Ông Kiều Đình Thụ nhấn mạnh: Bộ Tài chính có phạm vi quản lý Nhà nước rất rộng, với các ngành lớn như: thuế, hải quan, kho bạc… Trong thời gian qua, công tác xây dựng thể chế của ngành Tài chính đã được thực hiện rất tốt, với chất lượng, tiến độ xây dựng các VBQPPL được Chính phủ giao đạt chất lượng vượt trội so với các bộ khác.

Báo cáo của Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính cho thấy: trong năm 2013, ngành Tài chính được giao xây dựng 80 đề án pháp luật, trong đó có 6 Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 33 Nghị định của Chính phủ; 19 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 22 đề án khác. Tính đến đầu tháng 9/2013, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 50 đề án (trong đó có 22 văn bản đã được ký ban hành).

Đánh giá về những kết quả trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, giữa lúc ngành Tài chính đang phải tập trung cho nhiệm vụ thu ngân sách, kết quả trên thể hiện quyết tâm rất lớn của toàn ngành trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để thúc đẩy hoạt động của nền kinh tế.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Bộ Tài chính là bộ đa ngành nên công tác pháp chế tương đối nặng nề, với số lượng lớn các VBQPPL cần được xây dựng và ban hành mỗi năm. Nếu chỉ riêng ngành Tài chính thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ nên đòi hỏi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để công tác xây dựng thể chế ngành Tài chính đạt được hiệu quả hơn nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ, tốt hơn nữa giữa Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, để hỗ trợ cho nhau … nâng cao tính hợp lý và hợp pháp của các VBQPPL.

Phát biểu tại buổi làm việc này, Thứ trưởng chuyên trách công tác thể chế Bộ Tài chính Trương Chí Trung nhấn mạnh: Khối lượng công việc đặt ra cho công tác pháp chế ngành Tài chính là rất lớn và ngày càng nặng nề, nên mong muốn Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp trong thời gian tới sẽ tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ pháp chế ngành Tài chính. Ba cơ quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc giải thích pháp luật để đưa pháp luật vào cuộc sống với hiệu quả cao.

Thứ trưởng Trung cũng đề xuất, thời gian gần đây, các tranh chấp quốc tế đang có xu hướng gia tăng và Việt Nam thường chịu phần thiệt hơn trong việc giải quyết các tranh chấp này. Vì vậy, trong thời gian tới, ba cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật liên quan tới các tranh chấp quốc tế, đảm bảo tính công bằng cho Việt Nam trong các tranh chấp với nước ngoài.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá cao sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp trong thời gian qua, đánh giá cao tính chuyên nghiệp của công tác pháp chế của Bộ Tài chính và nhất trí với các kiến nghị của Bộ Tài chính về việc triển khai xây dựng các VBQPPL trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần tăng cường vai trò “người gác cổng” của ngành pháp chế - Bộ Tài chính để đảm bảo công tác xây dựng VBQPPL hợp lý, hợp pháp./.

Vũ Luyện

Vũ Luyện

© Thời báo Tài chính Việt Nam