Tìm kiếm công nghệ và kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giám sát tài chính

19:09 | 27/08/2013 Print
Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh đã chỉ ra các hạn chế này, tại Hội thảo - Triển lãm Tài chính Việt Nam 2013 (VF 2013), khai mạc sáng 27/8, tại Hà Nội, với chủ đề “Tăng cường giám sát nền tài chính quốc gia: Giải pháp chính sách và công nghệ”.

Toàn cảnh phiên khai mạc. Ảnh: Đức Minh

Sự kiện năm nay thu hút hơn 400 khách tham dự là lãnh đạo cấp cao từ Chính phủ, Giám đốc công nghệ của Bộ Tài chính từ Trung ương đến địa phương, các nhà hoạch định chính sách, quản lý doanh nghiệp. Triển lãm VF 2013 có sự góp mặt của 20 đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu trưng bày các sản phẩm công nghệ, giải pháp phục vụ cho ngành Tài chính. Trong khuôn khổ 1 ngày làm việc, với 1 phiên toàn thể và 2 phiên thảo luận chuyên đề, VF2013 sẽ tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính gồm: Nâng cao năng lực giám sát kinh tế - tài chính vĩ mô và đẩy mạng ứng dụng CNTT trong tài chính công; Tăng cường giám sát nền tài chính quốc gia (giải pháp chính sách); Tăng cường giám sát nền tài chính quốc gia (giải pháp công nghệ)… Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh cho biết: Đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, thực hiện giám sát có hiệu quả hoạt động của nền tài chính quốc gia là yêu cầu không thể thiếu đối với bất kỳ quốc gia nào. Đối với nước ta, Chiến lược Tài chính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012, trong đó việc xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính cũng đã được xác định những nhiệm vụ quan trọng cần hướng đến trong giai đoạn tới. 5 yêu cầu cốt lõi để đảm bảo giám sát tài chính có hiệu quả, bao gồm: Xây dựng được một khuôn khổ pháp lý cho giám sát tài chính vĩ mô đầy đủ, toàn diện; Đảm bảo có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, bộ, ngành liên quan trong thực hiện giám sát; Có sự hiển diện của một hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu giám sát tài chính vĩ mô bao quát được các nội dung và chủ thể cần giám sát; Hình thành được hệ thống dữ liệu thông tin phục vụ công tác giám sát tài chính vĩ mô thảo mãn các tiêu chí: đầy đủ, chính xác, kịp thời; Đảm bảo tính minh bạch, công khai trong việc thực hiện giám sát. Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh Để thực hiện được các mục tiêu này đòi hỏi cơ chế giám sát tài chính của Việt Nam cần tiếp tục được hoàn thiện và đổi mới, Thứ trưởng cũng đã nêu một số hạn chế về thực trạng giám sát tài chính ở Việt Nam, bao gồm: Thứ nhất, hệ thống các công cụ giám sát tài chính đang trong quá trình hoàn thiện, cần phải tiếp tục có sự điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu từ quá trình hội nhập và mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư với bên ngoài. Việc giám sát chủ yếu dừng ở giám sát tuân thủ, trong khi giám sát hiệu quả và giám sát cảnh báo cần phải tiếp tục hoàn thiện. Thứ hai, hệ thống các tiêu chí giám sát tài chính công vẫn còn chưa bao quát hết các loại hình rủi ro liên quan, hệ thống thông tin phục vụ cho công tác giám sát còn chưa đầy đủ, phân tán và chưa được cập nhật thường xuyên. Công tác thống kê, hạch toán trong một số trường hợp chưa theo đúng các chuẩn mực quốc tế nên khó so sánh khi đánh giá về mức độ rủi ro. Thứ ba, hoạt động giám sát trên thị trường chứng khoán cũng như hoạt động giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính của các DNNN vẫn còn những điểm cần tiếp tục cải thiện. Thứ tư, việc chưa sẻ thông tin trong nội bộ từng ngành cũng như giữa các cơ quan chức năng còn có một số điểm hạn chế. Cơ cấu hệ thống giám sát tương đối hoàn chỉnh nhưng còn thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ phận nhất là ở tầm vĩ mô, liên ngành. Chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan giám sát trong một số nội dung còn trùng lắp cần phải được rà soát để điều chỉnh cho phù hợp. Thứ trưởng chỉ đạo hội thảo tập trung đánh giá đầy đủ, chính xác thực trạng thực hiện giám sát tài chính vĩ mô ở Việt Nam thời gian qua; trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến 5 yêu cầu để đảm bảo sự hiệu quả, hiệu lực trong giám sát tài chính vĩ mô. Thảo luận, làm rõ các xu thế công nghệ, kinh nghiệm các nước trong việc thực hiện đổi mới phương thức, cách thức giám sát tài chính để hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu quả của công tác giám sát tài chính cho Việt Nam. Đồng thời đưa ra các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác giám sát vĩ mô thời gian tới trên cả hai giác độ là giải pháp chính sách và giải pháp về CNTT. Trong đó, đối với các giải pháp ứng dụng CNTT cần hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống CSDL, đáp ứng các yêu cầu điều hành công tác quản lý tài chính quốc gia nói chung, giám sát tài chính nói riêng, hướng tới sự phát triển bền vừng cho hệ thống tài chính quốc gia. VF2013 sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực: giám sát tài chính công; giám sát tài chính doanh nghiệp và giám sát thị trường tài chính. Với tài chính công, hội thảo sẽ tập trung vào vấn đề nợ công; bội chi ngân sách. Với tài chính doanh nghiệp là vấn đề tái cơ cấu DNNN và giám sát thị trường tài chính là tập trung vào thị trường chứng khoán và bảo hiểm./.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam