7 năm đầu tư 55.865 tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn

11:26 | 23/08/2013 Print
Với khoản kinh phí đầu tư này, nguồn vốn vay trong và ngoài nước đã chiếm tỷ trọng 74%. Trước tình hình vốn vay ưu đãi ngày càng giảm, đã đặt áp lực lớn trong thực hiện các dự án ngành nông nghiệp, nông thôn.

Chính phủ vẫn chưa có chủ trương vay thương mại đối với các dự án nông nghiệp. Ảnh: T.L

Trong tổng nguồn vốn đầu tư 55.865 tỷ đồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) 7 năm qua (2006-2012), vốn NSNN là 14.576 tỷ đồng (chiếm 26%), vốn ODA là 18.778 tỷ đồng (chiếm 34%), vốn TPCP là 22.510 tỷ đồng (chiếm 40%).

Bộ NN&PTNT đánh giá, mặc dù là lĩnh vực được ưu tiên số 1 trong định hướng chiến lược ODA cho Việt Nam, nhưng giai đoạn qua đầu tư cho ngành vẫn chiếm tỷ trọng thấp (14,92%), sau giao thông vận tải và bưu chính viễn thông (32,26%); năng lượng và công nghiệp (19,50%); y tế, giáo dục và đào tạo (19,77%).

Riêng giai đoạn từ năm 2006- 2012, Bộ NN&PTNT có 36 dự án sử dụng vốn ODA với tổng vốn đầu tư trên 3,3 tỷ USD, tương đương khoảng 66 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn vay gần 2,5 tỷ USD và vốn đối ứng trên 0,8 tỷ USD chủ yếu tập trung vào các ngành thủy lợi, lâm nghiệp, nông nghiệp.

Những nguồn vốn vay này phần lớn là các khoản vay có thời gian dài, khoảng từ 25-40 năm, thời gian ân hạn từ 5-10 năm, lãi suất thấp. Đến hết năm 2012, các dự án đã giải ngân được trên 21 nghìn tỷ đồng và đến nay đã hoàn thành 12 dự án.

Trước thực tế nguồn vốn trong nước chưa thể đáp ứng hết, nguồn vốn ODA ưu đãi ngày càng giảm, rất khó khăn cho việc vận động các dự án vốn vay ưu đãi giai đoạn 2013- 2015, trong khi đó, nhu cầu đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn là rất lớn.

Điều này đòi hỏi, ngành nông nghiệp phải tiếp cận với các nguồn ODA kém ưu đãi như kết hợp giữa vay thương mại với vay ưu đãi hoặc vay thương mại.

Tuy nhiên, Chính phủ hiện vẫn chưa có chủ trương vay thương mại đối với các dự án ngành nông nghiệp.

Trước thực tế này, theo Bộ NN&PTNT, điều kiện cơ bản để tiến hành các dự án nông nghiệp, nông thôn, ngoài việc hoàn thiện về chính sách và thể chế đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán với các văn bản pháp quy trong nước, hài hòa quy trình thủ tục với các nhà tài trợ thì cần thiết phải tính toán hiệu quả các nguồn vốn vay; tăng cường huy động nguồn vốn nội lực trong nước đầu tư cho lĩnh vực này.

Ngoài ra, dự án có hiệu quả hay không, điều quan trọng nhất là phải thực hiện theo quy trình chặt chẽ từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu đến quản lý tiến độ, chất lượng công trình; nhất là trong xây dựng kế hoạch vốn, cần bố trí vốn tập trung, chống dàn trải, nợ đọng…/.

Huyền Trang

Huyền Trang

© Thời báo Tài chính Việt Nam