Đề xuất hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho địa phương làm sổ đỏ

07:04 | 21/08/2013 Print
Nhiều địa phương chậm tiến độ cấp sổ đỏ do thiếu nguồn chi phí đo đạc, lập bản đồ địa chính. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị ngân sách hỗ trợ 1.000 tỷ đồng để những địa phương này

>> Đại biểu chất vấn về 'lợi ích nhóm' trong xây dựng luật

Sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, chiều 20/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời chất vấn trước UBTVQH về các vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), cấp giấy phép khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

Chậm cấp sổ đỏ do thiếu tiền

Tại phiên họp này, nhiều đại biểu ở các địa phương cùng đặt câu hỏi về tình trạng chậm cấp GCNQSDĐ, làm sao để đạt tiến độ cấp phép 85% như Nghị quyết của QH đã đề ra.

Trả lời chung các câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ đã quyết tâm để đạt kết quả cấp giấy lần đầu đạt 85% vào cuối năm 2013. “Chưa bao giờ chúng tôi đôn đốc quyết liệt như trong hai năm gần đây. Đã có rất nhiều biện pháp, vừa tranh thủ chỉ đạo của Chính phủ, vừa đẩy mạnh quyết tâm của địa phương. Tuy nhiên, nếu địa phương chậm chúng tôi cũng không có cách nào”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bo truong TNMT

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn ngày 20/8. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, nhiều địa phương đã rất quyết liệt nhưng vẫn rất chậm chủ yếu là do thiếu tiền. Số tỉnh chậm cấp giấy phép chủ yếu là các tỉnh miền núi, Tây nguyên do diện tích rộng, thu ngân sách thấp. Theo quy định, trung ương chỉ hỗ trợ, địa phương phải dành 10% tiền thu sử dụng đất để cho công tác lập hồ sơ địa chính. Trong khi đó các tỉnh miền núi thu tiền đất một năm không đáng kể, trong khi diện tích rộng vì thế, không có đủ nguồn chi cho công tác đo vẽ hồ sơ địa chính.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị ngân sách hỗ trợ 1.000 tỷ đồng để các địa phương này đẩy nhanh việc cấp GCNQSDĐ.

Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ nỗ lực để đến 31/12/2013, đạt 85% việc cấp GCNQSDĐ lần đầu theo như mục tiêu đã cam kết. Tuy nhiên, các địa phương phải có ý kiến để tập trung chỉ đạo, dồn sức ở các tỉnh yếu.

Nhiều sai phạm trong cấp phép khoáng sản

Vấn đề tài nguyên khoáng sản cũng được nhiều ĐB quan tâm. Các ĐB đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và môi trường trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản, về tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản sai quy định gây thất thoát tài sản quốc gia, ảnh hưởng đời sống của người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết năm 2013, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã thành lập 8 đoàn kiểm tra để rà soát toàn bộ hồ sơ tình hình cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản của các địa phương, qua đó phát hiện 957 giấy phép cấp sai. Bộ đã báo cáo và Chính phủ đã có ý kiến đối với một số tỉnh, qua đó, yêu cầu các tỉnh tuân thủ các quy định pháp luật trong cấp phép. Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh có vi phạm đến ngày 30/11/2013 phải báo cáo tình hình.

Bộ trưởng đã nhận khuyết điểm về việc chưa kiểm soát được tình trạng các địa phương cấp giấy phép khai thác khoáng sản sai quy định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cảnh báo các tỉnh về việc đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, vì việc đào bới càng nhiều thì càng thiệt hại, trong khi thu nhập không đáng là bao. Thời gian tới, việc cấp phép cho các điểm khai thác này sẽ rất hạn chế.

Về vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai được các đại biểu đề cập, Bộ trưởng cho biết trong 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải rà soát, giải quyết 28 vụ việc trong đó có 10 vụ việc do Bộ tự rà soát, tổng hợp. Kết quả có 17 vụ việc qua rà soát đã giải quyết đúng pháp luật, 8 vụ việc địa phương phải giải quyết lại. Ngoài các vụ việc đã rà soát nằm trong 528 vụ việc trên, Bộ đã rà soát và làm việc thống nhất giải quyết 49 vụ việc tồn đọng, kéo dài.

Phát biểu kết luận phần trả lời chất vấn của hai bộ trưởng trong ngày 20/8, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hệ thống pháp luật trong hai lĩnh vực này, ban hành quy định tăng cường thanh tra, kiểm tra việc hướng dẫn tổ chức, xây dựng pháp luật, tình hình nợ đọng, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo các cơ quan phải cùng vào cuộc, các đoàn ĐBQH các địa phương phải tăng cường giám sát, công tác quản lý nhà nước phải nghiêm hơn nữa.

Trong ngày họp cuối cùng của phiên họp thứ 20 (ngày 21/8), UBTVQH sẽ cho ý kiến về Nghị quyết của UBTVQH sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, về Tờ trình của Chính phủ về việc đánh giá kết quả thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế của hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2009-2013 và đề xuất Phương án cơ chế quản lý và biên chế của Kho bạc Nhà nước từ năm 2014.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam