Chính phủ điện tử tăng hợp tác, minh bạch và gắn kết công dân

15:45 | 20/08/2013 Print
Đây chủ đề xuyên suốt Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử (Vietnam E-Government Symposium) lần thứ 11 sẽ diễn ra vào ngày 28/8, tại Hà Nội; đồng thời sẽ được cầu truyền hình trực tiếp tại 2 điểm cầu: TP. Hồ Chí Minh và TP. Đã Nẵng.

Sự kiện này do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam và Câu lạc bộ CEO & CIO phối hợp tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin (CNTT).

Hội thảo sẽ có sự tham dự của hơn 400 khách mời là các lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, bộ, ngành, lãnh đạo chính quyền địa phương cũng như các chuyên gia hàng đầu đến từ các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài.

Tại Việt Nam, năm 2013 là năm thứ ba triển khai Chương trình Quốc gia về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước (2011 – 2015) và Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước (2011-2020).

Mục tiêu phát triển CPĐT giai đoạn 2013 - 2015:
* 10% dịch vụ công trực tuyến ở mức 3;
* 50% hồ sơ khai thuế đều tiến hành trực tuyến;
* Thí điểm hộ chiếu điện tử tại Hà Nội;
* 10% hồ sơ cấp phép xây dựng nộp trực tuyến;
* 90% cơ quan hải quan điện tử;
* 80% văn bản trao đổi nội bộ là điện tử ở cấp cơ sở trong cơ quan,
* 100% văn bản trình Chính phủ đều ở dưới dạng điện tử cùng với văn bản giấy…
(Nguồn: MIC)

Trong 3 năm qua, những nỗ lực tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chính phủ; thiết lập hệ thống thông tin quốc gia toàn diện, minh bạch; cải tiến dịch vụ công đa đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận:

Tất cả các cơ quan ngang bộ (22/22) và các tỉnh thành phố (63/63) có trang/ cổng thông tin điện tử. 90% các đơn vị trực thuộc các bộ, sở, ngành, quận, huyện đã trang bị hộp thư điện tử.

95% bộ, cơ quan ngang bộ, 98% UBND tỉnh và 54% UBND huyện sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng. 80% đơn vị thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ đã lắp đặt hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến.

Dịch vụ công tăng cả về số lượng và chất lượng, số địa phương triển khai với dịch vụ công mức độ 1,2 chiếm đa số .

Tuy nhiên số lượng dịch vụ công mức độ 3 mới tăng ở con số khiêm tốn dưới 1%, các hệ thống thông tin chưa kết nối rộng, nhiều cửa. chữ ký số chưa được sử dụng rộng rãi; việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế.

Tiếp nối những chủ đề xuyên suốt trong 10 năm qua, hội thảo năm nay sẽ tiếp tục các trao đổi, đánh giá về thực trạng và những bước phát triển mới của CPĐT, cũng như đề xuất các sáng kiến ứng dụng công nghệ tạo đà cho những chuyển biến lớn trong phát triển CPĐT và cải cách hành chính công tại Việt Nam.

Song song với hội thảo, Triển lãm Quốc gia về CPĐT 2013 sẽ trưng bày và giới thiệu các giải pháp công nghệ thiết thực cho triển khai CPĐT: Hạ tầng truyền thông; Trung tâm cơ sở dữ liệu; Hệ thống xác thực Quốc gia; Trung tâm kết nối; Chứng thực điện tử và chữ ký số; Giải pháp quản lý & chia sẻ dữ liệu tiêu biểu; Bảo mật thông tin; Các dịchvụ trực truyến: Đào tạo trực tuyến; Công chứng điện tử; Bỏ phiếu điện tử; Chứng minh thư điện tử; Hộ chiếu điện tử....

Trung Kiên

Trung Kiên

© Thời báo Tài chính Việt Nam