WB tiếp tục hỗ trợ cải cách quản lý tài chính công

14:31 | 07/08/2013 Print
Ngày 6/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tiếp bà Victoria Kwakwa- Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Hai bên trao đổi về một số nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Tài chính và khả năng tham gia hỗ trợ của WB, cũng như đề xuất các lĩnh vực hợp tác mới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ảnh: Đức Minh

Tại buổi tiếp, bà Kwakwa chúc mừng Bộ trưởng được Quốc hội, Chính phủ tin tưởng bổ nhiệm là người đứng đầu Bộ Tài chính. Trên cương vị này, bà Kwakwa hy vọng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng mối quan hệ chặt chẽ với WB.

Bà Victoria Kwakwa cũng đánh giá cao kết quả đạt được từ những dự án mà hai bên đã và đang thực hiện. Bà cũng cam kết trên cương vị của mình sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa WB và Bộ Tài chính.

WB luôn được xem là đối tác chiến lược của ngành Tài chính. Các hỗ trợ của WB trong thời gian qua đều mang lại hiệu quả và đáp ứng được phần nào các nhu cầu cấp thiết về cải cách của ngành. Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn hỗ trợ của WB chiếm 50% tổng hỗ trợ ODA cho ngành Tài chính.

Trong thời gian tới, sự trợ giúp của WB trong việc triển khai các cải cách quản lý tài chính là rất cần thiết. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị, trong thời gian tới, WB tập trung hỗ trợ Bộ Tài chính trong quản lý kinh tế vĩ mô, chương trình vay phát triển chính sách (hỗ trợ cho ngành Tài chính), cải cách doanh nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin tài chính chính phủ, quản lý nợ công... để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Chiến lược Tài chính đến 2020.

Trong trung hạn, Bộ Tài chính đang xây dựng Kế hoạch chi tiết trung hạn thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020. Do vậy, Bộ trưởng hy vọng tiếp tục nhận được sự tư vấn từ phía WB ở trong và ngoài nước để tiếp tục hoàn thiện tài liệu kế hoạch chi tiết trung hạn.

Về vấn đề vốn IDA (nguồn vốn của Hiệp hội Phát triển Quốc tế), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam mới bắt đầu tham gia nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, nhiều vùng của Việt Nam vẫn còn nghèo và rất khó khăn, do đó vẫn cần sự hỗ trợ của WB.

Do vậy, Việt Nam đề nghị WB tiếp tục duy trì nguồn vốn IDA để tập trung cho các nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển mạng lưới an sinh xã hội, các dịch vụ cơ sở hạ tầng thiết yếu và các công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Để giúp cho việc tiếp nhận nguồn vốn IBRD (nguồn vốn của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế), Bộ trưởng đề nghị WB phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giới thiệu cho các bộ, ngành các nội dung cơ bản của nguồn vốn IBRD và kinh nghiệm của các nước trong việc tiếp nhận nguồn IBRD hiệu quả.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính hoan nghênh các phương thức tài trợ thông qua NSNN như Chương trình tín dụng Hỗ trợ Quản lý Kinh tế và Nâng cao khả năng cạnh tranh lần thứ nhất (Chương trình EMCC giai đoạn 1) và đánh giá cao việc chuẩn bị ký kết Chương trình EMCC1 với WB với trị giá 250 triệu USD.

Qua đó, Bộ Tài chính kiến nghị WB tăng thêm nguồn vốn cho chương trình EMCC giai đoạn 2 bao gồm cả nguồn vốn vay IDA và nguồn vốn IBRD để hỗ trợ chương trình cải cách của Chính phủ Việt Nam.

Về lĩnh vực tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ trưởng đề nghị WB tiếp tục xem xét hỗ trợ: Các đề xuất đã cập nhật trong Ma trận đề xuất hỗ trợ kỹ thuật của Cục Tài chính doanh nhiệp, đề giúp hoàn thiện khuôn khổ thể chế triển khai Đề án tái cơ cấu DNNN.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị WB hỗ trợ nguồn vốn dài hạn với lãi suất thấp giúp các tập đoàn, tổng công ty có nguồn lực thực hiện tốt các đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt;

WB xem xét huy động nguồn lực hỗ trợ cho ngành Tài chính triển khai các hoạt động đã cam kết, tránh tình trạng đã cam kết nhưng lại không bố trí được nguồn, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam