Chuẩn hóa tên mặt hàng để bình ổn giá sữa cho trẻ em

17:29 | 01/08/2013 Print
(TBTCVN) - Theo quy định của Luật Giá, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục bình ổn giá của Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi Bộ Y tế sắp xếp lại tiêu chuẩn, các sản phẩm này hiện đang lưu hành trên thị trường đã mang tên gọi mới là sản phẩm dinh dưỡng và không còn trong danh mục bình ổn giá.

“Thoát” quy định nhờ “được” đổi tên

Từ 1/1/2013 đến tháng 4/2013 có một số công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên trong thông báo giá của các công ty này, các sản phẩm trước đây được gọi là sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, nay đã mang tên gọi mới là thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng...

Kể từ tháng 4 đến nay, không có đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa gửi thông báo, kê khai, đăng ký điều chỉnh mức giá bán đến Cục Quản lý giá.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Quy chuẩn Việt Nam QCVN 5-2: 2010/BYT, có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 của Bộ Y tế có quy định, sữa bột phải tuân theo tiêu chí protein 34% và được phân ra làm 4 loại: sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật.

gia sua, thi truong sua

Cần thống nhất tên gọi để có phương án quản lý phù hợp. Ảnh: Đ.T

Trước khi có Quy chuẩn này, những sản phẩm “sữa bột” không đủ hàm lượng đạm 34% vẫn gọi là sữa bột, nhưng từ khi Quy chuẩn trên có hiệu lực, các sản phẩm không đủ hàm lượng protein 34% phải đổi tên. Do phần lớn “sữa bột” lưu hành trên thị trường chỉ có độ đạm từ 18% trở xuống, thế nên việc đổi tên sản phẩm là điều đương nhiên các hãng sữa phải làm.

Chính vì vậy, đến thời điểm này, nhiều sản phẩm trước đây được ghi là sữa và đăng ký giá tại Bộ Tài chính, hoặc các Sở Tài chính, nay đã được doanh nghiệp (DN) thay đổi tên gọi và đăng ký với tên gọi mới như: Thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng.... Vì các sản phẩm này không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo như quy định của Luật Giá, nên đồng nghĩa với việc các DN không có nghĩa vụ phải đăng ký giá như trước đây.

Chuẩn hóa tên mặt hàng để có phương án quản lý

Với chức trách của mình, nhằm quản lý, bình ổn mặt hàng sữa, từ năm 2009 đến nay Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan chức năng như Tổng cục Thuế, Cục Quản lý giá, Thanh tra Tài chính, Tổng cục Hải quan phối hợp thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa và đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về thuế, giá.

Đồng thời, Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, kinh doanh mặt hàng sữa tại địa phương. Mặt khác, căn cứ vào hồ sơ đăng ký giá của DN thực hiện đăng ký giá (trước khi có quy định đổi tên sản phẩm theo quy định của Bộ Y tế), Bộ Tài chính đã kiểm tra, kiểm soát và có văn bản đề nghị DN không tăng giá khi yếu tố hình thành giá không thay đổi.

Theo các quy định hiện hành, Bộ Tài chính thực hiện quản lý giá, bình ổn giá sữa theo quy định của Luật Giá; Bộ Công thương quản lý việc nhập khẩu sữa; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý nguồn sữa tươi sản xuất trong nước; Bộ Y tế quản lý về tiêu chuẩn, chất lượng, phân loại sản phẩm.

Bộ Tài chính cho biết, bằng việc triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý giá sữa nói trên, đã hạn chế được các DN điều chỉnh tăng giá khi yếu tố hình thành giá không thay đổi, qua đó đã góp phần bình ổn giá sữa.

“Các DN đăng ký tăng giá, cơ quan quản lý giá sẽ xem xét kỹ lưỡng, nếu thấy không hợp lý sẽ lập tức đề nghị các DN không được tăng giá. Đầu năm 2012, chúng tôi đã yêu cầu một số DN dừng tăng giá sữa. Hiện nay, do nhiều sản phẩm có tên là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung vi chất… không nằm trong danh mục bình ổn giá, do vậy DN không phải đăng ký giá với cơ quan quản lý giá”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết.

Do đó, để góp phần bình ổn giá sữa, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia từ khâu đăng ký tên sản phẩm, bán sản phẩm của các DN sản xuất và kinh doanh sữa. Đồng thời, phân loại mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi gửi về Bộ Tài chính để thực hiện quản lý giá, bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.

Song song với đó, Bộ Y tế cần phải chuẩn hóa tên mặt hàng trước đây là sữa (nay là thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng...). Sau đó kiến nghị Chính phủ, Quốc hội đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng bình ổn giá./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam