Không thể nương tay!

10:28 | 23/07/2013 Print
6 tháng qua, cả nước đã xảy ra hàng ngàn vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.913 người; so với cùng kỳ năm 2012 đã tăng 224 người chết. Những con số lạnh lùng nhưng thấm buốt vào trong gan ruột.

Ảnh: Minh họa

Mỗi sáng ra đường, chúng ta có cảm giác mình đang tham gia vào một “cuộc chiến”. Biết bao nhiêu gia đình đang hạnh phúc phải chịu cảnh “sinh ly tử biệt”, biết bao người đột ngột bỏ mạng giữa đường giữa chợ một cách oan uổng... Tai nạn giao thông ở nước ta gây tổn thất nặng nề về người và của, nên đã có sự ví von: “Việt Nam vẫn còn chiến tranh ngay trong hòa bình”, chính về vấn nạn này.

Trên đe ...

Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013 của ngành Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã không nén nổi những bức xúc trước việc tình hình tai nạn giao thông chậm được cải thiện.

Người ta cảm nhận được, gánh nặng trách nhiệm đang trĩu trên vai vị trưởng ngành này. những lời phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thể hiện rõ quyết tâm, phải nhanh chóng chấn chỉnh lại tình hình tai nạn giao thông đang căng thẳng như sợi dây đàn vặn hết cỡ.

Ngay sau đó, sáng ngày 6/7, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 địa phương trên cả nước cũng với chủ đề “nóng” – giảm tai nạn giao thông. Bộ trưởng Đinh La Thăng tiếp tục giải trình, đưa ra những biện pháp.

“Có nơi còn có dấu hiệu của những hành vi đỡ đầu, dung túng, bao che cho những vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, cũng như các quy định an toàn giao thông (ATGT) trong hoạt động vận tải”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.

Các Sở GTVT địa phương tăng cường kiểm tra các điều kiện kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cương quyết không để tồn tại vùng trống về quản lý trong kinh doanh vận tải. Cần xem xét quy định xử phạt hành chính theo hướng tăng nặng hình thức xử phạt đối với từng loại lỗi vi phạm, xử lý hình sự những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chỉ đạo, cần tập trung vào chấn chỉnh đối tượng quản lý kinh doanh vận tải và lực lượng cảnh sát giao thông.

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt “cần phải tăng cường thanh kiểm tra lực lượng cấp dưới của mình, thậm chí đóng giả dân thường để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai phạm”.

Người ta đang trông chờ, hy vọng một sự cải thiện trông thấy của hoạt động GTVT, bởi những “căn bệnh khó chữa” như chở quá tải; phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường; dừng bắt khách, lèn khách vô tội vạ; lái xe uống bia rượu, dùng ma túy... vẫn ngày đêm gây nhức nhối xã hội và đe dọa tính mạng của mỗi con người. Nói như vậy không ngoa, bởi không thiếu những người dân đi tập thể dục trên vỉa hè, ngồi hóng mát trước cửa nhà hay đang ăn, đang ngủ trong chính nhà mình cũng trở thành nạn nhân của vụ tai nạn giao thông bất ngờ ập đến.

... dưới né?!

Thật khó có thể chữa khỏi hẳn, khi “căn bệnh” trong hoạt động GTVT diễn biến lâu nay, mà nhiều “phác đồ điều trị” đã được áp dụng đều chưa tỏ ra hiệu quả. Giống như một đứa con hư khó dạy, tội lỗi vẫn cứ diễn tiến hàng ngày, nếu nhân nhượng, lập tức bậc cha mẹ sẽ trở thành đồng lõa.

Trong mỗi chuyến đi xa, các hành khách không khỏi cảm nhận, mình đang thực sự là “khách... bị hành”. Lượng khách luôn nhiều hơn số ghế trên xe, nhất là vào những ngày thứ bảy, chủ nhật. Mỗi khi chiếc xe khách bị yêu cầu dừng lại, những tờ “polime” lại nhanh chóng được kẹp vào giữa giấy phép lái xe, để chỉ 5 phút sau xe sẽ được đi ngay.

Đôi khi, gặp chốt cảnh sát làm nghiêm, lái xe bị lập biên bản, thu giữ bằng lái và nộp phạt nặng. Hành khách bị dừng lại cả tiếng, sau đó, khi xe chuyển bánh thì nhà xe trút ra hàng tá lời độc địa chĩa vào những người thi hành công vụ liêm chính. Nhưng cũng ngay sau đó, là những lời trao đi, đổi lại qua điện thoại của lái xe với lãnh đạo công ty vận tải của mình, nhờ “bố tác động thế nào cho con nhanh chóng lấy được cái bằng ra chứ thế này thì cả nhà con chết đói...”.

Cứ như thế, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm. Không hiểu cán bộ ngành GTVT có “vi hành” hay không, nhưng những điều này, ngành cũng đều biết cả. Thế cho nên, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng lần này đã chỉ thẳng vào đối tượng các công ty vận tải mà răn đe.

Nhưng liệu sau những cuộc họp “nóng” cả bàn nghị sự cấp cao này, tình hình chuyển biến được tới đâu?

Các Thứ trưởng của Bộ GTVT đã được phân công đi vi hành, thị sát tại những điểm “nóng”. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng “trên đe (răn đe), dưới... né”?

Đã có ý kiến cho rằng, không có gì hiệu quả hơn sự cương quyết. Đừng như cha mẹ thương con “giơ cao đánh khẽ”, mà phải dùng luật pháp. Dùng luật pháp để trị những sai phạm về an toàn giao thông không phải là “luật pháp vô tình”. Luật để cứu mỗi năm tới cả vạn mạng người, là luật nhân văn nhất!

Ngày 2/7/2013, tại cuộc tọa đàm về giảm thiểu tai nạn giao thông do website Chính phủ tổ chức, ông Trần Sơn Hà, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), cho biết từng hỏi cung một trường hợp lái xe khách gây tai nạn nhưng mù chữ, phải điểm chỉ khi lấy lời khai. Vụ đổ xe ở núi Giộc, Nghệ An, lái xe chỉ có... một chân. Hay vụ tai nạn thảm khốc tại cầu Serepok, lái xe gây vi phạm (đã chết trong vụ tai nạn) bị lĩnh án 8 năm tù vì ma túy và trong quá trình thụ án vẫn được đổi giấy phép lái xe...

K.T

K.T

© Thời báo Tài chính Việt Nam