ASEAN quan ngại khi kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm

16:18 | 22/07/2013 Print
Một số nước Đông Nam Á (ASEAN) lo ngại đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc trong quý III sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu tới nhu cầu nhập khẩu nguyên - nhiên liệu của nước này từ các quốc gia ASEAN

Ảnh: http://www.brecorder.com/

Trung Quốc vừa công bố tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này đã giảm xuống mức 7,5% trong quý II, có tăng trưởng nhưng thấp hơn nhiều so với mức 12% đạt được trong 6 năm trước.

Nếu tăng trưởng cán đích 7,5% hoặc thấp hơn trong năm nay, năm 2013 sẽ là năm yếu kém nhất kể từ năm 1990 khi Trung Quốc bắt đầu có ảnh hưởng tới kinh tế thế giới.

Trong khi những thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc đang khiến thế giới xôn xao, Đông Nam Á đặc biệt đứng trước những tác động không mong muốn khi thương mại giữa khu vực này và Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến triển khả quan 15 năm qua. Sự tăng trưởng này không chỉ dựa vào sự thịnh vượng của nền kinh tế Trung Quốc mà còn nhờ hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và ASEAN đã làm giảm bớt các rào cản thương mại từ năm 2010.

Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN đã tăng hơn 30 lần trong 15 năm qua. Cùng thời kỳ này, thương mại giữa ASEAN và Nhật Bản hoặc Mỹ chỉ tăng khoảng 3 lần. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Mười năm trước, nước này chỉ đứng thứ 4 sau Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu.

Nhu cầu hàng hóa khổng lồ của Trung Quốc từng là động lực lớn cho In-đô-nê-xia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Đất nước vạn đảo xuất khẩu một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên bao gồm than đá, thiếc, cao su, dầu cọ và dầu dừa sang Trung Quốc.

Khi nhu cầu ở đất nước 1.3 tỉ dân này sụt giảm, giá hàng hóa – đặc biệt là than đá và dầu cọ – cũng giảm sút theo trong năm qua. Các công ty than và những công nhân cạo mủ cao su và trồng dầu cọ của In-đô-nê-xia đang lo ngại rằng thời kỳ hoàng kim có thể sẽ kết thúc.

Công ty than PT Lumban Energi & Metal của In-đô-nê-xia cho biết họ đã cắt bớt các kế hoạch mở rộng sản xuất xuống còn một nửa khi mà nhu cầu từ Trung Quốc cũng như giá than đang giảm sút. Khoảng một nửa sản lượng của công ty đang được xuất sang Trung Quốc .

Nasir Sitohang, một chủ trồng dầu cọ 55 tuổi, cho biết thu nhập của ông đã giảm 30% trong năm qua khi quả cọ ông trồng trên trang trại 10 héc-ta ở đông Sumatra rớt giá. “Nhu cầu ở Trung Quốc đang suy giảm và chúng tôi phải lo đối phó với sản xuất dư thừa,” ông nói.

Tăng trưởng kinh tế In-đô-nê-xia trong quý I đạt mức thấp nhất trong 3 năm. Một số nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng của In-đô-nê-xia sẽ lần đầu tiên tụt xuống dưới 6% kể từ năm 2008.

Xing-ga-po, trung tâm tài chính của khu vực, cũng từng hưởng lợi rất nhiều từ sự bùng nổ kinh tế Trung Quốc với thu nhập từ những lượng tiền mặt lớn từ khách du lịch cũng như các nhà đầu tư bất động sản đến từ nước này.

Trong khi Xing-ga-po vẫn chưa cảm nhận rõ những tác động từ sự sụt giảm tăng trưởng của đối tác thương mại lớn thứ 3 của mình, các nhà kinh tế nhận định rằng một sự sụt giảm liên tục sau cùng cũng sẽ gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu hàng điện tử, dược phẩm và các sản phẩm từ dầu của Xing-ga-po.

Nhiều tập đoàn đầu tư lớn của Xing-ga-po tại Trung Quốc cũng sẽ chịu tổn thất do nhu cầu suy yếu, trong đó có thể kể đến tập đoàn bất động sản CapitalLand hay công ty hậu cần Global Logistic Properties.

Tại Thái Lan, xuất khẩu trong tháng 5 đã giảm 5,25% so với một năm trước đó do sự sụt giảm nhu cầu tại Trung Quốc cũng như trên toàn cầu. Cao su và linh kiện máy tính xuất khẩu sang Trung Quốc là những lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn nhất.

Tập đoàn Rubber Latex, nhà xuất khẩu mủ cao su cô đặc lớn nhất thế giới, cho biết công ty này đã chịu tác động từ sự suy thoái kinh tế Trung Quốc từ năm ngoái. Hơn một nửa sản lượng của công ty được xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Sau tốc độ tăng trưởng 2 con số trong những năm gần đây, chúng tôi dự báo doanh số sẽ không tăng hoặc thậm chí sụt giảm trong năm 2013,” Paitoon Wongsasutthikul, cố vấn ban giám đốc công ty, cho biết.

Duy Nguyễn (Theo Wall Street Journal)

Duy Nguyễn (Theo Wall Street Journal)

© Thời báo Tài chính Việt Nam