Hàng tồn kho vẫn tiếp tục là nỗi lo

06:11 | 20/07/2013 Print
Theo báo cáo của Bộ Công thương, mặc dù chỉ số hàng tồn kho quý II đã giảm, nhưng nhiều ý kiến cho rằng hàng tồn kho có thể sẽ tăng trở lại vào cuối năm, khi các giải pháp nhằm kích thích tăng trưởng của Chính phủ đi vào cuộc sống.

Hệ lụy từ hàng tồn kho

Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm 2013 của Bộ Công thương cho thấy, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/6/2013 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 9,7% so với cùng kì năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 21,5% ở thời điểm 1/1/2013.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến (Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính), chỉ số hàng tồn kho có dấu hiệu giảm dần không phải do nhu cầu tiêu dùng phục hồi, mà là do sản xuất giảm. TS. Tuyến lấy dẫn chứng: giá trị hàng tồn kho trong 5 tháng đầu năm là 75,4%, vẫn cao hơn mức tồn kho thông thường (65%). Hơn nữa, mức tăng trưởng của ngành sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ tăng 5,18%, thấp hơn cùng kỳ năm 2012 là 5,59%.

Hàng tồn kho vẫn tiếp tục là nỗi lo
Dự báo hàng tồn kho cuối năm có thể sẽ tăng khi nhu cầu của người tiêu dùng vẫn hạn chế. Ảnh: M.N.

Cũng theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, từ nay đến cuối năm Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp để kích thích tăng trưởng như: nới lỏng tài khóa và tiền tệ, cho doanh nghiệp (DN) vay vốn với lãi suất thấp để thúc đẩy sản xuất… điều này cũng đồng nghĩa nguồn cung toàn xã hội tăng lên. Bên cạnh đó, theo quy luật thì giá cả vào những tháng cuối năm sẽ tăng, cộng với việc người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu như hiện nay, thì nguy cơ hàng tồn kho sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là khó tránh khỏi.

TS. Phạm Tiến Đạt (Học viện Ngân hàng) cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với DN hiện nay không phải là vấn đề vốn, mà là vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu DN không giải quyết được hàng tồn kho thì sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, đó là tăng chi phí bảo quản, nợ đọng vốn, hàng hóa có nguy cơ lạc hậu dẫn đến khó tiêu thụ... Cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ đẩy DN đến bờ vực phá sản.

“Hàng tồn kho quá nhiều sẽ biến một DN lành mạnh thành một DN ốm yếu trong khoảng thời gian rất ngắn. Trong lúc nền kinh tế đang rất khó khăn thì việc dư thừa hàng tồn kho sẽ làm cho DN đã khó lại càng khó hơn”, TS. Phạm Tiến Đạt cho hay.

Khai thông kênh phân phối

Giải phóng hàng tồn kho hiện nay đang là bài toán đau đầu của nhiều DN. Để giải quyết “điểm nghẽn” này, bản thân các DN phải tự chủ động đã đành. Nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế thì rất cần có sự can thiệp ở tầm vĩ mô của Chính phủ, như tăng tổng cầu của nền kinh tế, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Để làm được điều này, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, cần phải sắp xếp lại mạng lưới kinh doanh, khắc phục tình trạng mua bán chồng chéo, vòng vèo, lũng đoạn thị trường. Riêng với các mặt hàng nông sản, cần tổ chức lại thị trường theo hướng liên kết giữa nhà sản xuất và tiêu thụ để nâng đỡ giá nông sản trong giai đoạn hiện nay.

Cũng đề cập đến tồn kho của các mặt hàng nông sản, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng: "Người nông dân hiện nay đang cho nhiều nhất, nhưng mất cũng nhiều nhất".

Hàng tồn kho vẫn tiếp tục là nỗi lo
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: "Tầng lớp trung gian bỏ chi phí ít nhưng lại hưởng lợi nhiều nhất. Muốn giải quyết hàng tồn kho phải khai thông kênh phân phối...". Ảnh: M.N.

“Một nghịch lý nổi lên hiện nay đó là đầu vào sản xuất, mà trước hết là sản xuất nông ngư nghiệp như: phân bón, con giống, thức ăn, điện nước… tăng rất mạnh, trong khi đó đầu ra của những sản phẩm này giá rất thấp, thậm chí thấp hơn giá thành, khiến người nông dân càng làm càng lỗ”, ông Phú chia sẻ.

Đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, sở dĩ có nghịch lý như vậy là do kênh phân phối đang có “vấn đề”. Tầng lớp trung gian bỏ chi phí ít nhưng lại hưởng lợi nhiều nhất. “Dưa hấu phía Nam đúng vụ thu hoạch có lúc bỏ hỏng ở đồng ruộng vì tiêu thụ 2.000 đồng/kg không ai mua, trong khi đó ở các thành phố lớn giá bán lẻ vẫn 13-15 nghìn đồng/kg. Bí đỏ ở miền núi phía Bắc chất đống cạnh đường bán giá 1.000đ/kg không ai mua, trong khi đó các chợ ở Hà Nội giá vẫn 4-5.000đ/kg. Rất vô lý”, ông Phú bức xúc.

TS. Đinh Trọng Thắng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để khai thông kênh phân phối, giải phóng hàng tồn kho thì cần phải xây dựng niềm tin. Niềm tin của DN đối với nhà nước thông qua sự ổn định của chế độ chính sách. Niềm tin của người dân đối với DN thông qua việc hỗ trợ sản xuất, cam kết tiêu thụ hàng hóa với giá cả hợp lý…/.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam