Ngân hàng là lĩnh vực trọng tâm chống tham nhũng tới đây

10:45 | 19/07/2013 Print
Ông Nguyễn Thế Bình, Vụ trưởng Vụ 1, Ban Nội chính Trung ương vừa cho biết cơ quan này sẽ kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hạn chế tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cần tiếp tục đưa hoạt động tín dụng, ngân hàng thành một trong những lĩnh vực trọng tâm cần tập trung chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trong những năm tới. Ban sẽ chỉ đạo ngành Ngân hàng phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc, dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã xảy ra.

Bên cạnh đó, cần rà soát cơ chế, chính sách tài chính ngân hàng trong thời gian qua còn nhiều kẽ hở, đặc biệt là việc quản lý dòng tiền trên thị trường 1 và thị trường 2, từ đó kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định. Hiện nay, nhiều ngân hàng lợi dụng nguồn tiền trên thị trường 2 đẩy vào thị trường 1 dẫn đến các Ngân hàng TMCP nhỏ kiếm lợi trên lưng các Ngân hàng TMCP có vốn nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép thành lập các ngân hàng thương mại nhỏ, kiểm soát, thanh tra toàn diện hoạt động các ngân hàng là sân sau của các tổ chức, tập đoàn kinh tế chiếm phần vốn chi phối, được thành lập để phục vụ việc huy động vốn cho chính tập đoàn, dễ dẫn đến việc làm méo mó thị trường, có thể gây đổ vỡ ngân hàng nhỏ khi nền kinh tế khó khăn.

Ông Nguyễn Thế Bình cho rằng: "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhà nước tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát, thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng những vấn đề mới phát sinh".

Nghiên cứu 30 vụ việc, vụ án xảy ra trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, có liên quan đến hoạt động tại 15 ngân hàng trong thời gian qua, Cơ quan điều tra đã khởi tố 117 bị can, trong đó có 81 bị can là cán bộ ngân hàng (chiếm tỷ lệ 69,2%), số còn lại là các đối tượng ngoài ngành ngân hàng đã thông đồng cùng các cán bộ trong các ngân hàng phạm tội.
Nguyễn Thế Bình, Vụ trưởng Vụ 1, Ban Nội chính Trung ương

Đối với hệ thống ngân hàng, ông Bình đề xuất Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ theo dõi, thống kê, báo cáo về tình hình vi phạm, tội phạm, tham nhũng xảy ra trong toàn ngành Ngân hàng; tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá thường xuyên hoạt động của các tổ chức ngân hàng; tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về những vi phạm, tội phạm mới phát sinh trong các hệ thống ngân hàng, qua đó cảnh báo các tổ chức này chấn chỉnh kịp thời sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý cũng như đề ra những chính sách kịp thời để điều chỉnh những bất cập xảy ra trong quá trình hoạt động của các tổ chức ngân hàng.

Trên cơ sở đó, sẽ báo cáo Chính phủ kịp thời ban hành hoặc sửa đổi những quy định cho phù hợp điều kiện kinh tế đang diễn ra nhằm giúp cho công tác quản lý lĩnh vực ngân hàng được đảm bảo một cách thường xuyên, liên tục, chặt chẽ.

Đối với Bộ Công an, kiến nghị tăng cường chỉ đạo, đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao trong ngành Ngân hàng, đặc biệt loại tội phạm có thủ đoạn tinh vi trong và ngoài ngân hàng đối với công tác phòng, chống rửa tiền trong và ngoài nước.

"Việc xử lý, thu hồi tài sản trong các vụ án liên quan đến tội phạm ngành Ngân hàng phải được triển khai triệt để, có kết quả, hạn chế thấp nhất các thiệt hại, củng cố lại niềm tin của khách hàng", ông Nguyễn Thế Bình tiếp tục nêu đề xuất./.

Các tội danh trong các vụ án trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thời gian qua chủ yếu là “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”…; tổng số tiền thiệt hại (con số ước tính ban đầu, do nhiều vụ án đang trong giai đoạn điều tra) là 11.565 tỷ đồng, 8.000 USD và 3.370 lượng vàng. Trong tổng số thiệt hại nêu trên, số tiền vi phạm thu hồi được chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

(Nguồn: Tham luận của ông Nguyễn Thế Bình, Vụ trưởng Vụ 1, Ban Nội chính Trung ương về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng tại Hội thảo về tham nhũng tổ chức ngày 9/7 tại Hà Nội)

Bình Yên

Bình Yên

© Thời báo Tài chính Việt Nam