Lạm phát: Nỗi lo chưa nguôi

17:32 | 18/07/2013 Print
Lạm phát có thể sẽ tăng cao trở lại. Đây là nhận định của TS. Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) và nhiều nhà quản lý khác khi đề cập đến lạm phát 6 tháng cuối năm 2013. Nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát cũng được các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đưa ra…

>> Cẩn trọng với lạm phát cuối năm Nhiều yếu tố làm tăng lạm phát Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố có thể tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), khi một loạt các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ phát huy tác dụng như: Chính sách tài khóa và tiền tệ, việc điều chỉnh tăng giá các dịch vụ y tế, giáo dục và một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào như: điện, than… có thể tăng giá theo lộ trình. Cũng theo nhận định của TS. Nguyến Ngọc Tuyến, nền kinh tế hiện đang tiềm ẩn những rủi ro, đó là khả năng thâm hụt thương mại từ nay đến cuối năm tăng cao. Thời điểm từ nay đến cuối năm cũng là chu kỳ tăng giá do nhu cầu tiêu dùng tăng. Điều này sẽ tác tác động không tốt đến chỉ số CPI 6 tháng cuối năm. Giá thịt lợn có thể tăng cao trở lại vào những tháng cuối năm. Ảnh: M.N. Đề cập cụ thể hơn về các yếu tố có thể làm tăng lạm phát, bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) dẫn chứng, nếu Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh tăng viện phí như đề xuất vào những tháng cuối năm sẽ đóng góp vào chỉ số CPI chung tăng khoảng 0,7%. Riêng TP.Hồ Chí Minh, nếu tăng học phí vào tháng 9/2013 với mức tăng gấp 6 lần thì sẽ góp vào chỉ số CPI chung tăng thêm 0,75%. Tuy nhiên, bà Ngọc cũng cho rằng, việc TP.Hồ Chí Minh quyết định hoãn tăng viện phí theo lộ trình và chỉ áp dụng tăng học phí từ 4-5 lần đã phần nào làm giảm áp lực về giá. Khả năng tác động của nhóm hàng hóa dịch vụ này đến chỉ số CPI sẽ thấp hơn dự kiến ban đầu. Ngay trong các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà… cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường về giá. Đại diện Vụ Thống kê Giá cho rằng, ngay cả khi dịch bệnh gia súc, gia cầm đã qua đi thì hậu quả của nó trong những tháng cuối năm là rất lớn. Dịch bệnh khiến bà con nông dân không tiếp tục tái đàn, dẫn đến nguồn cung thịt giảm sút và như vậy giá cả sẽ tăng. Kiềm chế bằng cách nào? Để lạm phát không tăng cao trở lại, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các Bộ ngành, địa phương trong việc điều hành giá cả... Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Ảnh: MN. Theo nhận định của TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý trung ương thì tình hình kinh tế từ đầu năm đến nay dù đã có những dấu hiệu tích cực, nhưng nền kinh tế vẫn chưa thoái ra khỏi mớ bòng bong. Kinh tế khó khăn khiến đầu tư cho sản xuất kinh doanh giảm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn nhất từ trước tới nay… Những điều này đã gây áp lực đến ngân sách nhà nước rất lớn. Trong khi đó là áp lực chi tăng. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng dù đã được cải thiện nhưng nợ xấu vẫn tăng; xuất khẩu 6 tháng đầu năm có tăng nhưng chủ yếu là do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Từ những phân tích trên đây, TS. Võ Trí Thành cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô là giải pháp quan trọng nhất mà Chính phủ nên hướng tới hiện nay. Bàn đến các giải pháp cụ thể để kiềm chế lạm phát có thể tăng cao trở lại 6 tháng cuối năm, bà Đỗ Thị Ngọcnhấn mạnh, Chính phủ cần cam kết mạnh mẽ mục tiêu giữ ổn định lạm phát như kế hoạch đã đề ra để có những điều hành phù hợp. Bởi lẽ, lạm phát thấp thường khó bền, nhưng lạm phát tăng cao thì luôn thường trực. Còn theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chúng ta không nên chủ quan về chỉ số CPI tăng thấp 6 tháng đầu năm. Từ nay đến cuối năm vẫn phải bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, vì từ nay đến tháng 9, một số địa phương điều chỉnh tăng các dịch vụ y tế, giáo dục. Các mặt hàng: điện, than có thể tăng giá theo lộ trình, điều này sẽ tác động xấu đến chỉ số CPI 6 tháng cuối năm. Cũng theo bà Nga, để chỉ số lạm phát có thể giữ ở mức ổn định, rất cần sự vào cuộc, sự phối hợp của các Bộ ngành, địa phương. Các Bộ, ngành, địa phương cần phải linh hoạt trong việc điều chỉnh giá, bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đã đặt ra. Với trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính đã kịp thời có công văn gửi địa phương, nhất là những địa phương có chỉ số CPI tăng cao hơn bình quân cả nước, đề nghị quan tâm hơn đến việc đánh giá tác động giá cả tại địa phương, nhằm hạn chế tốt nhất việc ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát tăng. Bà Nga cũng cam kết, trong thời gian tới Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả để kịp thời chỉ đạo các địa phương điều chỉnh giá một cách hợp lý. Tránh việc nhiều dịch vụ, mặt hàng tăng giá cùng một lúc, tác động xấu đến chỉ số CPI và gây tâm lý không tốt đối với người dân.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam