Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng còn nhiều thách thức

17:21 | 18/07/2013 Print
Lạm phát ở mức vừa phải, tỷ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại hối tăng và rủi ro tín dụng giảm là bốn điểm quan trọng nhất phản ánh tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tương đối ổn định. Tuy nhiên nền kinh tế giai đoạn này có không ít thách thức...

Ngan hang the gioi

Buổi họp báo của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam ngày 12/7. Ảnh: H.Y

Đây là những thông tin chính trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố ngày 12/7, trong đó điểm lại những diễn biến mới nhất của kinh tế Việt Nam.

Lạm phát ở mức vừa phải, tỷ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại hối tăng và rủi ro tín dụng giảm là bốn điểm quan trọng nhất phản ánh tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tương đối ổn định.

Xuất khẩu tăng cao, chủ yếu nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng thay đổi một cách tích cực. Năm 2012 vừa qua, Việt Nam lần đầu tiên đạt thặng dư thương mại kể từ năm 1992. Cũng trong năm này, Việt Nam đạt thặng dư cán cân thanh toán ở mức kỷ lục.

Ông Deepak Mishra, kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết, Việt Nam vẫn được coi là điểm đầu tư hấp dẫn hàng đầu trong khu vực ASEAN, trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc, theo kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội kinh doanh Singapore và AmCham.

Tuy nhiên nền kinh tế giai đoạn này có không ít thách thức. Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm dài nhất kể từ cuối những năm 1980. Không chỉ tăng trưởng chậm so với trước đây, Việt Nam còn tăng trưởng chậm hơn các nước cùng trình độ trong khu vực. Sau thời kỳ khủng hoảng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước giảm tăng trưởng nhiều nhất trong khu vực.

Tỷ trọng FDI/GDP đã giảm dần từ mức cao nhất là 11,8% năm 2008 xuống còn 7,7% GDP trong 6 tháng đầu năm 2013. Doanh số bán lẻ đang giảm rất mạnh và ở mức thấp kỷ lục...

WB dự tính tăng trưởng của Việt Nam năm 2013 vào khoảng 5,3% trong khi lạm phát sẽ tăng lên 8,2% vào cuối năm. Lý giải điều này, ông Deepak Mishra cho rằng đó là do tăng lương tối thiểu, tăng giá các mặt hàng do Nhà nước điều chỉnh như giá điện, giá dịch vụ y tế... cộng với nhu cầu tiêu dùng cuối năm thường tăng cao.

Ông cũng nhấn mạnh những thay đổi về lập trường chính sách tiền tệ và tài khóa dẫn tới rủi ro cho áp lực lạm phát. Cùng với đó, việc chậm thực hiện các cải cách về cơ cấu có thể làm suy giảm niềm tin và khiến triển vọng tăng trưởng xấu đi.

Ngân hàng HSBC ngày hôm qua (11/7) cũng đã đưa ra dự báo triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Theo đó, dự kiến tăng trưởng GDP cuối năm 2013 của Việt Nam đạt mức 5,3% trong khi lạm phát chỉ ở mức 5,9% do nhu cầu vẫn chưa được phục hồi.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam