Đã thực sự có thị trường phát điện cạnh tranh?

08:30 | 05/07/2013 Print
Sau 1 năm thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đi vào hoạt động, đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho rằng, bước đầu đã có sự cạnh tranh về giá bán điện. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường phát điện vẫn chưa thật sự mang tính cạnh tranh đúng nghĩa.

Vẫn toàn "người nhà" Nhằm đưa thị trường phát điện cạnh tranh đi vào hoạt động theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành cổ phần hóa, thành lập 3 Tổng công ty phát điện. Đó là các đơn vị Genco 1, Genco 2 và Genco 3. Ba tổng công ty này đã đi vào hoạt động từ 1/1/2013. Các tổng công ty trên hoạt động theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con. Tổng công ty phát điện 1, 2 và 3 là Công ty TNHH một thành viên, do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, biểu tượng, điều lệ tổ chức và hoạt động, có chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật... trực tiếp thực hiện các hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết... Nhiều ý kiến cho rằng chưa thực sự có thị trường phát điện cạnh tranh. Ảnh: TL Nhiều ý kiến cho rằng, về mặt hình thức thì đã hình thành bên bán điện (các Genco) và bên mua điện (EVN). Tuy nhiên, Tổng công ty TNHH một thành viên phát điện 1,2 và 3 (cha đẻ của 3 đơn vị phát điện) lại do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ. Và về bản chất vẫn phụ thuộc vào EVN. EVN vẫn “một mình một chợ”. Điều này chẳng khác nào “bình mới nhưng rượu cũ”. TS. Hoàng Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam thừa nhận, hiện nay các Genco vẫn phụ thuộc phần lớn vào EVN. Không những vậy, khâu truyền tải và phân phối điện vẫn thuộc EVN quản lý. Nếu nói các Genco hoạt động độc lập thì rất khó thuyết phục. Chỉ khi nào các Genco tách hẳn ra khỏi EVN thì khi đó mới có sự cạnh tranh theo đúng nghĩa. Đã thực sự cạnh tranh? Lộ trình thị trường điện cạnh tranh đã được Thủ tướng Chính phù phủ phê duyệt: - Giai đoạn 2005 - 2014: Thị trường phát điện cạnh tranh - Giai đoạn 2015 - 2022: Thị trường bán buôn cạnh tranh - Giai đoạn từ sau 2022: Thị trường bán lẻ cạnh tranh Theo báo cáo của EVN, sau một năm chính thức đi vào vận hành, đã có 45 nhà máy chào bán điện cạnh tranh. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 67 nhà máy trong thời gian tới. Điều đáng chú ý là bên mua điện vẫn chỉ có một mình EVN. Câu hỏi đặt ra là: Dù số lượng nhà máy chào giá bán điện công khai tăng lên, nhưng chỉ có một người mua (EVN), thì liệu thị trường mua - bán điện có thực sự cạnh tranh? Trả lời vấn đề này, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho rằng, thị trường phát điện cạnh tranh sau một năm chính thức vận hành đã có những kết quả bước đầu. Theo ông Phúc, hiện đã hình thành mối quan hệ cung - cầu và phần nào thể hiện sự cạnh tranh về giá. Ông Phúc phân tích, EVN mua điện theo phương thức chào giá. Tất cả các nguồn điện đều được huy động. Nhà máy nào chào giá thấp hơn sẽ được huy động trước, giá cao sẽ được huy động sau. Trong quá trình chào giá, đã xuất hiện đơn vị bán điện (đặc biệt là các thủy điện tư nhân) chọn thời điểm giờ cao điểm để bán điện giá cao. Và điều này theo ông Phúc là đã có sự cạnh tranh và minh bạch. Đồng tình với ông Phúc, Thứ trưởng Bộ Công thương - bà Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã và đang tiếp tục vận hành theo đúng lộ trình. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy trong thời gian tới, thị trường điện sẽ dần hoàn thiện, để không những phát điện cạnh tranh mà sẽ có thị trường bán buôn cạnh tranh, tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam