Làm thêm đến 300 giờ phải được sự thỏa thuận của người lao động

13:56 | 04/07/2013 Print
Trong trường hợp khắc phục hậu quả nghiêm trọng do thiên tai, địch họa, dịch bệnh, hỏa hoạn thì người sử dụng lao động được phép huy động làm thêm đến 300 giờ nhưng phải được sự thỏa thuận của người lao động...

Khắc phục thiên tai sẽ được phép huy động làm thêm 300 giờ, nhưng phải được sự thỏa thuận của người lao động. Ảnh Đ.T chỉ dùng để minh họa

Theo phản ánh của người dân: Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang quản lý 2 đơn vị là Ban Quản lý các cảng cá và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão. Hai đơn vị này có nhu cầu tổ chức làm thêm từ trên 200-300 giờ/năm.

Theo hướng dẫn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hai đơn vị này phải làm văn bản xin phép để Sở Lao động – Thương binh và Xã hội mời các cơ quan liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh, khi UBND tỉnh đồng ý, đơn vị mới được thực hiện.

Vì vậy, ông Phạm Văn Kinh (TP. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) gửi câu hỏi: Hai đơn vị này cần thực hiện thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hay phải làm đơn xin phép để được chấp thuận của UBND tỉnh?

Trả lời vấn đề này, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Trường hợp làm thêm giờ trước ngày 1/7/2013

Mục 4 khoản 2 Điều 1 Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định, trong trường hợp khắc phục hậu quả nghiêm trọng do thiên tai, địch họa, dịch bệnh, hỏa hoạn thì người sử dụng lao động được phép huy động làm thêm đến 300 giờ nhưng phải được sự thỏa thuận của người lao động.

Nếu không thuộc trường hợp nêu trên và thuộc trường hợp đặc biệt khác được làm thêm từ 200 đến 300 giờ thì đơn vị phải gửi văn bản xin phép tới UBND tỉnh Ninh Thuận theo Mẫu số 2 kèm theo Thông tư số 15/2003/TT-BLĐTBXH ngày 3/6/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện làm thêm giờ theo quy định của Nghị định số 109/2002/NĐ-CP.

Tổ chức làm thêm giờ từ ngày 1/7/2013

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, nếu thuộc trường hợp được làm thêm từ 200 đến 300 giờ thì người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh Ninh Thuận quản lý Nhà nước về lao động tại địa phương./.

Đ.T (Theo chinhphu.vn)

Đ.T (Theo chinhphu.vn)

© Thời báo Tài chính Việt Nam