Hoàn thiện thể chế, phối hợp chính sách về BHYT

13:44 | 02/07/2013 Print
Việt Nam hiện có gần 67% dân số cả nước có thẻ BHYT. BHYT đã đóng góp trên 70% nguồn tài chính trực tiếp dành cho khám chữa bệnh, trong đó năm 2012 là trên 33 nghìn tỷ đồng.

Hoàn thiện thể chế, phối hợp chính sách về BHYT
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Để thực hiện được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về BHYT.    Ảnh: Theo Xuân Tuyến (chinhphu.vn)

Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam năm nay chủ đề “Thúc đẩy tiến trình thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân” vừa được Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức, chiều 1/7, tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh; Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương tham dự sự kiện này.

Với gần 67% dân số cả nước có thẻ BHYT, trên 121 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT trong năm 2012, bảo hiểm y tế đã có những đóng góp to lớn, thiết thực và hiệu quả trong sự nghiệp chăm sóc và bảo sức khỏe nhân dân; đã đóng góp trên 70% nguồn tài chính trực tiếp dành cho khám chữa bệnh, trong đó năm 2012 là trên 33 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nêu lên 2 nhóm giải pháp chính để có thể thực hiện được mục tiêu 80% dân số có thẻ BHYT vào năm 2020.

Trước hết phải đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá, tổng kết sau 5 năm triển khai Luật BHYT để kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi những hạn chế, bất cập để chính sách BHYT ngày càng phù hợp hơn với đòi hỏi thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước trong từng giai đoạn.

Đối với nhóm cơ chế, chính sách mở rộng diện tham gia BHYT, cần chú ý quan tâm đến những đối tượng như nông dân, ngư dân, người có thu nhập dưới mức trung bình, người lao động tự do; cải cách về thủ tục hành chính, thái độ phục vụ, y đức và chất lượng khám chữa bệnh.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa chính sách thu BHYT với chính sách viện phí, giá thuốc và cơ chế tài chính các cơ sở khám chữa bệnh; qua đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chất lượng khám chữa bệnh, cân đối quỹ BHYT và khả năng chi trả của người dân.

Hoàn thiện thể chế, phối hợp chính sách về BHYT
Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam . Ảnh: Theo Xuân Tuyến (chinhphu.vn)

Nhóm nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là tập trung chỉ đạo và phối hợp trong công tác quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Trong đó có vấn đề nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trốn đóng, cố tình nợ đọng, lạm dụng hoặc trục lợi quỹ BHYT. Đối với ngành Y tế, cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT và đối xử công bằng giữa bệnh nhân có thẻ BHYT và bệnh nhân tự thanh toán trực tiếp, qua đó nâng cao tính hấp dẫn của BHYT.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHYT phải đổi mới, lồng ghép để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc của chính sách bảo hiểm y tế, về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc thực hiện thành công mục tiêu BHYT toàn dân.

Cũng tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát động phong trào hỗ trợ một phần chi phí để người nghèo, người cận nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo và những vùng còn khó khăn mua BHYT.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1/7 hàng năm là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị và toàn dân trong công tác BHYT, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân

Đ.T (Theo Xuân Tiến - chinhphu.vn)

Đ.T (Theo Xuân Tiến - chinhphu.vn)

© Thời báo Tài chính Việt Nam