Thế giới vượt 206 triệu ca mắc; Nga lần đầu có trên 800 ca tử vong/ngày

06:50 | 13/08/2021 Print
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 655.000 ca mắc COVID-19 và trên 9.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 206 triệu ca, trong đó trên 4,34 triệu ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Jerusalem ngày 11/8/2021.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Jerusalem ngày 11/8/2021.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 104.000 ca), Ấn Độ (40.078 ca) và Iran (39.049 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.466 ca), Brazil (883 ca) và Nga (808 ca).

Danh sách các nước, khu vực và vùng lãnh thổ ghi nhận các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 ngày một dài hơn, sau khi số ca nhiễm trên toàn thế giới vượt mốc 200 triệu hồi tuần trước.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xét trên phạm vi toàn cầu, biến thể Alpha được ghi nhận tại 185 nước, vùng lãnh thổ và khu vực; biến thể Beta có mặt tại 136 nước, vùng lãnh thổ và khu vực; biến thể Gamma có mặt tại 81 nước, vùng lãnh thổ và khu vực; trong khi biến thể Delta có mặt tại 142 nước, vùng lãnh thổ và khu vực. Số liệu thống kê của WHO cho thấy ngày 5/8, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 200 triệu, chỉ 6 tháng sau khi đạt mốc 100 triệu.

Trong tuần qua, thế giới có hơn 4,2 triệu ca mắc mới và hơn 65.000 người không qua khỏi, tăng nhẹ so với tuần trước đó. Khu vực châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ số ca mắc mới tăng nhiều nhất, lần lượt là 1,3 triệu ca và hơn 375.000 ca. Số ca tử vong gia tăng đáng kể tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

WHO cho biết 17% số quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của tổ chức này ghi nhận số ca mắc mới tăng 50% so với tuần trước đó và 15% số quốc gia và vùng lãnh thổ có số ca tử vong tăng 15% so với tuần trước đó. Ở cấp quốc gia, Mỹ có số số ca mắc mới cao nhất, với 734.354 ca mắc mới, tăng 35% so với tuần trước đó.

Châu Á

Malaysia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ đầu dịch

Ngày 12/8, Bộ Y tế Malaysia báo cáo 21.668 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước đến nay.

Hiện Malaysia ghi nhận trên 1,34 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 11.300 ca tử vong.

Trong khi đó, số ca phụ nữ mang thai tử vong do COVID-19 tăng, Bộ Y tế Malaysia đã kêu gọi nhóm đối tượng này đi tiêm vaccine COVID-19. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Malaysia đã ghi nhận 70 trường hợp phụ nữ mang thai tử vong do COVID-19. Trong đó, 17 trường hợp tử vong trong tháng 6 vừa qua khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh và trong số này có 15 trường hợp chưa tiêm chủng và 2 trường hợp còn lại mới chỉ tiêm một mũi.

Theo số liệu của Bộ Y tế Malaysia, từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2021 có tổng cộng 3.396 phụ nữ mang thai đã mắc COVID-19. Bộ này nhấn mạnh đây là vấn đề rất nghiêm trọng và xếp nhóm đối tượng này vào nhóm nguy cơ cao lây nhiễm, cùng với nhóm người cao tuổi và người có bệnh lý nền.

Số ca mắc mới ở Thái Lan tiếp tục tăng

Bộ Y tế Thái Lan ngày 12/8 cho biết nước này ghi nhận thêm 22.782 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 839.771 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 147 trường hợp, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi đại dịch lên 6.942 người.

Phó Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan – ông Yongyot Thammawut cho biết các cuộc xét nghiệm hàng loạt mới nhất ở thủ đô và các tỉnh lân cận do 41 đội phản ứng toàn diện COVID-19 (CCR) gồm 400 bác sĩ và nhân viên y tế thực hiện từ ngày 1-10/8. Các cuộc xét nghiệm cho thấy tình hình lây nhiễm ở thủ đô Bangkok vẫn là một mối quan tâm nghiêm trọng và cần phải thúc đẩy xét nghiệm hàng loạt.

Israel yêu cầu xét nghiệm đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên

Từ tuần tới, chính quyền Israel sẽ yêu cầu trẻ từ 3 - 11 tuổi phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được đến trường học, bể bơi, khách sạn hoặc phòng tập thể dục. Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc tăng mạnh dù Israel đã triển khai rộng rãi chương trình tiêm vaccine COVID-19 cho người trưởng thành.

Ngày 12/8, Thủ tướng Naftali Bennett thông báo từ ngày 18/8 tới, nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí xét nghiệm không giới hạn cho trẻ từ 3 - 11 tuổi.

Từ cuối tháng 7 vừa qua, Israel đã tái triển khai giấy thông hành xanh đối với những người từ 12 tuổi trở lên. Giấy chứng nhận này được cấp cho những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh, miễn dịch với COVID-19.

Trung Quốc đóng một nhà ga cảng container sau khi ghi nhận ca nhiễm

Nhà chức trách Trung Quốc đã tạm thời đóng cửa một nhà ga của cảng biển Ninh Ba-Chu San - cảng lưu thông hàng hóa nhộn nhịp thứ ba trên thế giới, sau khi ghi nhận một trường hợp nhân viên mắc COVID-19.

Giới chức địa phương cho biết một nhân viên tại tại nhà ga Meishan của cảng Ninh Ba-Chu San đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 11/8. Người này đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây. Sau khi phát hiện ca nhiễm, công ty Meidong Container Terminal quản lý ga Meishan đã lập tức ngừng mọi hoạt động và đóng cửa khu vực cảng.

Theo tuyền thông địa phương, gần 2.000 nhân viên tuyến đầu tại cảng Ninh Ba-Chu San đã được yêu cầu không rời khỏi cảng.

Nhật Bản có thể duy trì tình trạng khẩn cấp ở Tokyo sau ngày 31/8

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản, ngày 8/8/2021.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản, ngày 8/8/2021.

Tại Nhật Bản, nhiều quan chức chính phủ cho rằng nước này không thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 5 tỉnh khác vào cuối tháng này theo như kế hoạch ban đầu. Thậm chí, nhiều địa phương đang kêu gọi chính phủ áp đặt các biện pháp quyết liệt hơn để khống chế dịch COVID-19, như yêu cầu các trung tâm thương mại lớn đóng cửa.

Nguyên nhân dẫn đến nhận định trên chủ yếu là do chưa có dấu hiệu số ca mắc mới tại Nhật Bản đã đạt đỉnh, trong lúc biến thể nguy hiểm Delta vẫn đang lây lan nhanh. Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura - người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản - đánh giá dịch bệnh đang gia tăng với tốc độ chưa từng có.

Ngày 11/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 15.753 ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc, cao nhất từ trước tới nay. Con số kỷ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 7/8, với 15.753 ca. Riêng tại thủ đô Tokyo có thêm 4.200 ca mắc mới. Trong tuần từ ngày 5-11/8, số ca mắc mới bình quân ở thành phố này là 3.983,6 ca/ngày, tăng 14,5% so với một tuần trước đó. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Tokyo cho đến ngày 11/8 là 258.981 người. Các chuyên gia nhận định tình hình dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo có thể xấu đi, bất chấp những tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng.

Thủ đô Canberra của Australia bắt đầu thực hiện phong tỏa

Tại Australia, từ 5 giờ chiều 12/8 (giờ địa phương), thủ đô Canberra bắt đầu giai đoạn phong tỏa kéo dài 7 ngày, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sau khi chính quyền địa phương xác nhận một ca mắc mới.

Thủ hiến vùng lãnh thổ thủ đô Australia – ông Andrew Barr nêu rõ: "Đây là nguy cơ sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất mà chúng ta phải đối mặt tại vùng lãnh thổ thủ đô trong năm nay. Một nguy cơ thực sự, kể từ khi bắt đầu đại dịch”.

Theo ông Barr, ca mắc mới nói trên đã có nhiều tiếp xúc trong cộng đồng kể từ khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thành phố Canberra 400.000 dân chưa thực hiện phong tỏa kể từ khi lệnh phong tỏa toàn quốc được ban bố trong giai đoạn đầu bùng phát dịch COVID-19 năm 2020.

Sau nhiều tháng theo đuổi chiến lược "không có ca mắc COVID-19", Australia đang gặp khó khăn trong việc cắt đứt chuỗi lây lan của biến thể Delta. Hơn 10 triệu người ở các thành phố lớn nhất của nước này là Melbourne và Sydney đang sống trong cảnh bị phong tỏa.

Tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia 25 triệu dân này đã ghi nhận hơn 37.500 trường hợp mắc COVID-19 và 946 ca tử vong do căn bệnh này.

Châu Âu

Số ca tử vong theo ngày tại Nga lần đầu vượt 800 ca

Ngày 12/8, Nga ghi nhận thêm 808 ca tử vong vì COVID-19, mức theo ngày cao nhất kể từ đầu dịch, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba leo thang bất chấp tiến độ tiêm chủng đạt được.

Với tổng cộng 168.049 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm này, Nga hiện là nước có số ca tử vong cao nhất ở châu Âu. Đáng lo ngại, tổng số ca tử vong trong hơn 40 ngày qua bằng hơn nửa tổng số ca tử vong ghi nhận trong thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 6 năm nay.

Cũng trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ở Nga tăng 21.932 ca, đưa tổng số ca mắc lên 6,5 triệu ca - cao thứ 4 trên thế giới.

Nga đang bị cuốn vào làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ ba kể từ giữa tháng 6 vừa qua do biến thể Delta hoành hành. Nước này đang nỗ lực tăng tốc chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, tính đến ngày 12/8, chỉ có 28,8 triệu người trong số 146 triệu người ở Nga đã tiêm phòng đầy đủ.

Pháp ngừng xét nghiệm miễn phí để khuyến khích dân tiêm chủng

Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết đến giữa tháng 10, nước này sẽ ngừng thực hiện miễn phí các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR và xét nghiệm kháng nguyên, trừ trường hợp có đơn của bác sĩ.

Ông Attal nêu rõ việc thực hiện xét nghiệm sẽ không giúp bảo vệ người dân khỏi COVID-19 và người dân cần có trách nhiệm bảo vệ chính mình trước dịch bệnh. Quyết định này nhằm khuyến khích người dân Pháp đi tiêm vaccine phòng bệnh và để chính phủ tránh thực hiện các biện pháp phòng dịch nghặt nghèo trong trường hợp xuất hiện các biến thể mới.

Theo thống kê của chính phủ, tới ngày 10/8, 45 triệu người dân Pháp, tương đương 67,2% dân số, đã tiêm mũi vaccine đầu tiên, trong khi đó hơn 50% dân số nước này đã tiêm đủ liều.

Chính phủ Pháp đặt ra mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào mùa Thu này với 90% những người trong diện tiêm chủng được tiêm vaccine. Ngoài ra, Tổng thống Emmanuel Macron cũng quyết định triển khai tiêm mũi nhắc lại cho người cao tuổi và những người dễ bị tổn thương nhất từ tháng 9 tới.

Châu Mỹ

Canada thông báo triển khai “hộ chiếu vaccine”

Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 trên xe buýt cho người dân
Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 trên xe buýt cho người dân ở British Columbia, Canada ngày 30/7/2021.

Chính phủ liên bang Canada đã thông báo kế hoạch xây dựng hồ sơ chứng minh việc tiêm vaccine COVID-19, tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại quốc tế vào đầu mùa Thu này.

Bộ trưởng Nhập cư Marco Mendicino cho biết Ottawa đang làm việc với các tỉnh/vùng lãnh thổ, nơi nắm giữ dữ liệu về tiêm chủng, để xây dựng một chứng nhận nhất quán. Chính phủ Canada cũng đang làm việc với các quốc gia khác để công nhận các chứng nhận được cấp ở Canada. Chứng nhận tiêm chủng của liên bang Canada sẽ bao gồm dữ liệu về loại vaccine, ngày, tháng và địa điểm tiêm.

Theo Bộ trưởng Các vấn đề liên chính phủ Dominic LeBlanc, chính phủ hy vọng sẽ áp dụng chứng nhận kỹ thuật số nhưng cũng sẽ cung cấp cả bản in giấy cho những người có nhu cầu.

Thông báo trên được Chính phủ Canada đưa ra trong bối cảnh các cuộc tranh luận về việc triển khai bằng chứng tiêm chủng đang ngày một "nóng" hơn trên toàn quốc.

Chile tiêm mũi bổ sung cho người cao tuổi

Chile bắt đầu tiêm mũi vaccine COVID-19 bổ sung nhằm có được thành công sớm sau khi là một trong những nước có tốc độ tiêm chủng cộng đồng nhanh nhất thế giới.

Cho đến nay, 67% người dân nước này đã được tiêm vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, Chính phủ Chile tuần trước cho biết cần tiêm mũi bổ sung để tăng cường miễn dịch. Do đó, ngày 11/8, nước này bắt đầu tiêm mũi bổ sung cho những người trên 86 tuổi, được tiêm mũi đầu trước ngày 31/3.

Hiện không chỉ Chile mà một số nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Đức, Pháp, Israel... triển khai việc tiêm mũi vaccine tăng cường, bất chấp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi trì hoãn việc này cho đến khi có nhiều người hơn trên thế giới được tiêm mũi đầu tiên.

Mỹ kêu gọi phụ nữ mang thai tiêm vaccine

Nhà chức trách Mỹ kêu gọi phụ nữ mang thai đi tiêm ngừa COVID-19, đồng thời khẳng định dữ liệu cho thấy tiêm vaccine không làm tăng nguy cơ sẩy thai.

Trong một tuyên bố, ông Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, khẳng định vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường tiêm chủng trong bối cảnh biến thể Delta dễ lây lan hơn đang hoành hoành và những phụ nữ mang thai chưa được tiêm vaccine mắc COVID-19 nặng.

Theo một nghiên cứu gần đây, mới chỉ có khoảng 25% số phụ nữ mang thai tại Mỹ được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Dẫn một phân tích dữ liệu gần đây, CDC Mỹ cho biết vaccine ngừa COVID-19 không làm tăng nguy cơ sẩy thai trong số gần 2.500 phụ nữ mang thai đã được tiêm vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA (các loại vaccine của Pfizer và Moderna) trước 20 tuần của thai kỳ. Tỷ lệ sẩy thai ở những phụ nữ mang thai được tiêm vaccine ngừa COVID-19 là khoảng 13%, tương đương với tỷ lệ sẩy thai thông thường là 11-16%. Do đó, CDC Mỹ khẳng định lợi ích của tiêm vaccine COVID-19 đối với phụ nữ mang thai cao hơn nhiều so với nguy cơ. Số phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có nguy cơ diễn tiến nặng và có các biến chứng liên quan đến thai kỳ ngày một tăng, khiến việc tiêm vaccine COVID-19 cho đối tượng này khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam