FDI đổ vào Mỹ Latinh giảm mạnh nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ

07:53 | 06/08/2021 Print
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) ngày 5/8 cho biết, đại dịch COVID-19 đã đẩy hoạt động FDI ở Mỹ Latinh giảm xuống mức chưa từng có kể từ năm 2010, với dòng vốn đổ về khu vực này giảm 34,7% trong năm 2020, là mức giảm lớn nhất kể từ hơn một thập kỷ qua.

Đường phố tạiSao Paulo, Brazil ngày 2/8/2021

Đường phố tại Sao Paulo, Brazil ngày 2/8/2021

Thư ký điều hành của CEPAL, bà Alicia Barcena cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Mỹ Latinh đã giảm tới 56 tỷ USD so với năm 2019, đồng thời nhấn mạnh xu hướng sụt giảm này đã bắt đầu được ghi nhận kể từ năm 2013.

Cụ thể, trong năm 2020, khu vực này chỉ nhận được tổng cộng 105,48 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cũng theo báo cáo của cơ quan trực thuộc Liên Hợp quốc, cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã khiến FDI trong năm 2020 giảm tại hầu hết các quốc gia trong khu vực trừ 5 nước Bahamas, Barbados, Ecuador, Paraguay và Mexico.

Bà Barcena cho biết thêm, Brazil - quốc gia luôn đi đầu về thu hút FDI trong năm vừa qua đã giảm mạnh 35,4%, và đây là yếu tố gây sức nặng trong mức giảm trung bình của khu vực này.

Trên bình diện tiểu khu vực, FDI tại Nam Mỹ ghi nhận mức giảm 40,4%, Trung Mỹ giảm 89,4%, và vùng Caribe giảm 25,5%.

Trong khi đó, xét theo lĩnh vực, vốn FDI giảm mạnh nhất ở lĩnh vực tài nguyên, với mức giảm 47,9% so với năm 2019, tiếp theo là sản xuất (-37,8%) và dịch vụ (-11%).

Phần lớn nguồn vốn nước ngoài vào Mỹ Latinh và Caribe vẫn chủ yếu đến từ châu Âu, mặc dù đã giảm gần một nửa so với năm 2019, trong khi FDI từ Mỹ tăng thêm 10 điểm %, chiếm 37% tổng vốn FDI đổ vào Mỹ Latinh.

Bà Barcena dự báo triển vọng FDI cho khu vực Mỹ Latinh sẽ tiếp tục rất phức tạp vào năm 2021, năm mà CEPAL kỳ vọng tăng trưởng FDI toàn cầu từ 10% đến 15%, tuy nhiên triển vọng kém lạc quan hơn với mức dưới 5% sẽ dành cho Mỹ Latinh và Caribe./.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam