Chứng khoán châu Á phiên 4/8 hầu hết đi lên

18:57 | 04/08/2021 Print
Thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đi lên trong phiên giao dịch ngày 4/8.

Bảng chỉ số chứng khoán tại Hong Kong, Trung Quốc.

Bảng chỉ số chứng khoán tại Hong Kong, Trung Quốc.

Diễn biến này đúng nhịp với sự biến động gần đây trên thị trường toàn cầu khi sự lạc quan về đà phục hồi kinh tế và việc tiêm chủng phòng COVID-19 gia tăng, đẩy lùi những quan ngại về sự lan nhanh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, dẫn tới những quy định phong tỏa xã hội nghiêm ngặt tại Trung Quốc.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 43,24 điểm (1,34%), lên 3.280,38 điểm. Đà tăng này chủ yếu được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu công nghệ, qua đó đánh dấu mức tăng theo ngày mạnh nhất của chỉ số Kospi kể từ ngày 10/5.

Tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đi lên, nhờ mức tăng cao kỷ lục của Phố Wall trong phiên trước. Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn quan ngại về những biện pháp "mạnh tay" gần đây của Chính phủ Trung Quốc đối với các công ty công nghệ và giáo dục tư nhân sẽ lan sang các lĩnh vực khác. Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt tăng 231,73 điểm và 29,23 điểm, tương đương 0,88% và 0,85%, lên 26.426,55 điểm và 3.477,22 điểm.

Các thị trường chứng khoán khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm Singapore, Đài Bắc, Wellington, Manila, Mumbai và Jakarta cũng đồng loạt tăng điểm.

Tuy nhiên, tại thị trường Tokyo, lo ngại dai dẳng về đại dịch COVID-19 và việc giới đầu tư đang chờ đợi kết quả mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý II/2021 đã khiến chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 57,75 điểm (0,21%), xuống 27.584,08 điểm.

Một mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp tốt hơn kỳ vọng tại Mỹ và sự trấn an liên tục từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về các chính sách tiền tệ siêu lỏng của họ cũng không thể xoa dịu nỗi lo ngại rằng triển vọng kinh tế toàn cầu có thể không khả quan như kỳ vọng ban đầu, khiến tâm lý nhà đầu tư thay đổi từng ngày.

Mối lo ngại chính đối với các thị trường đang hướng về Trung Quốc khi chính phủ nước này đã thông báo hạn chế đi lại ở một số khu vực trước diễn biến mới của dịch COVID-19. Trung Quốc đã đưa số ca mắc COVID-19 trong nước xuống gần như bằng 0 sau khi dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, nhưng hiện nước này đang đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất trong nhiều tháng.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam